Tối 19/6, Chủ tịch UBND TP.HCM ký văn bản khẩn quyết định ban hành Chỉ thị 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Đối với hoạt động giao thông vận tải, Chỉ thị mới nêu rõ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (Sở GTVT) chịu trách nhiệm triển khai việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Trong đó, người dân được yêu cầu hạn chế di chuyển theo chỉ đạo của UBND TP.
Các xe phải tạm dừng hoạt động bao gồm: Xe buýt, xe tuyến cố định liên tỉnh, xe trung chuyển; xe taxi; xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối hành khách. Riêng xe công nghệ 2 bánh vẫn được chạy.
"Đối với lực lượng giao hàng (shipper), họ bắt buộc phải khai báo y tế khi làm việc, ngành giao thông nếu phát hiện họ vi phạm sẽ báo cho đơn vị quản lý để "tắt app luôn", ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, lưu ý.
Theo đó, các trường hợp khác được phép hoạt động theo Chỉ thị 10 bao gồm: Xe trung chuyển bệnh nhân, xe của Trung tâm y tế cơ sở, bệnh viện; xe vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia các doanh nghiệp, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất vẫn hoạt động bình thường trên tiêu chí đảm bảo phòng, chống dịch.
Thành phố giao Sở GTVT phối hợp Liên đoàn Lao động TP hướng dẫn và giám sát việc đưa đón công nhân, người lao động tại các nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp theo khuyến cáo của ngành y tế.
Trước đó, tại buổi họp vào tối cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức khẳng định TP sẽ không áp dụng cứng Chỉ thị 15 hay 16, mà trên nền tảng 2 chỉ thị này, chính quyền sẽ cân nhắc và ban hành một chỉ thị riêng phù hợp với TP. Thành phố cũng sẽ bổ sung thêm biện pháp ở những địa bàn có ca nhiễm tăng cao.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 1.481 ca mắc mới, cao thứ 3 cả nước, sau hai ổ dịch khu công nghiệp là Bắc Giang và Bắc Ninh. Sau khi kiểm soát được ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, gần đây, các ca mắc mới đều là người tiếp xúc của những chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây.