TP.HCM phủ gần 100% vaccine mũi 1 người trên 18 tuổi
Chiều 21-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn.
Nguồn vaccine đang sẵn sàng tiêm cho người dân
Trả lời về câu hỏi nếu từ nay đến 30-9, TP.HCM không có đủ vaccine để tiêm cho người dân như kế hoạch thì ảnh hưởng gì tới việc cấp thẻ xanh để TP trở lại trạng thái bình thường mới, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết Sở Y tế và Sở TT&TT đang gấp rút tính toán để có phương án hợp tình, hợp lý, đảm bảo vừa kiểm soát dịch vừa tạo thuận lợi cho bà con đi lại. Do đó, việc tiêm vaccine và chứng nhận F0 đã hoàn thành cách ly rất quan trọng.
Về việc tiêm vaccine, ông Tâm cho biết hiện TP.HCM đang tích cực tiếp nhận các nguồn vaccine của Bộ Y tế phân bổ, nhanh chóng đưa về địa phương để đảm bảo tiêm sớm nhất, nhanh nhất và tiêm hết lượng vaccine đã được phân bổ.
Theo ông Tâm, tỉ lệ tiêm vaccine của đợt 1 khá phấn khởi, đạt tỉ lệ trên 93% tiêm mũi 1 cho người trên 18 tuổi. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm vaccine hiện nay thì mẫu số được tính dựa trên thống kê dân số mà TP thu thập ngày 30-6, lúc đó chưa giãn cách xã hội và nhiều người dân chưa rời TP.HCM. Ngoài ra, từ ngày 30-6 đến nay, nhiều người đã trở thành F0 và một số trường hợp chống chỉ định vaccine nên chưa tiêm.
Từ phân tích đó, ông Tâm cho biết tổng dân số TP.HCM trên 18 tuổi là 7,2 triệu người theo thống kê ngày 30-6 có thể không chính xác so với thực tế. “Do đó, có thể nói số liệu tiêm vaccine thực tế đã rất cao, cũng gần 100%. Do sự phức tạp trong việc xác định dân số thực trên địa bàn từng quận, huyện nên tỉ lệ tiêm vaccine chưa cao, khoảng 94% nhưng theo thực tế thì hầu hết quận, huyện đã tiêm vét gần hết” - ông Tâm nói.
Từ nay đến 30-9, ông Tâm khẳng định việc tiêm vaccine cũng rất thuận lợi. Nguồn vaccine đang sẵn sàng để tiếp tục tiêm cho người dân.
Vẫn dành khu vực sơ cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng
Sau khi chuyển đổi công năng trở về như cũ, các BV tại TP.HCM cần đảm bảo khu vực cách ly tạm thời để dành cho các trường hợp nghi ngờ. Khu vực này cần có 10-20 giường và chuẩn bị đầy đủ ôxy cho hệ thống sơ cứu, cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng.
Gom F0 đi cách ly tập trung do hiểu nhầm
Trả lời câu hỏi về việc có một số địa bàn gom toàn bộ ca mắc COVID-19 vào khu cách ly tập trung, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế đã ghi nhận tình trạng này và đã chấn chỉnh, nhắc nhở các quận, huyện về vấn đề này.
“Tôi nghĩ rằng có lẽ có sự hiểu nhầm nào đó ở một số nơi trên địa bàn TP về việc phải gom các F0 vào khu cách ly tập trung” - ông Châu nói và cho biết chủ trương của TP.HCM là các F0 đủ điều kiện nên cách ly tại nhà.
Theo ông Châu, hai chiến lược điều trị của TP sắp tới là đẩy mạnh chăm sóc các F0 tại cộng đồng và củng cố hệ thống điều trị để sống chung với COVID-19, giảm tỉ lệ tử vong. “Việc gom F0 vào khu cách ly tập trung như một số nơi phản ánh có thể có sự hiểu nhầm rằng muốn bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì phải đưa F0 vào khu cách ly tập trung. Nhưng không phải như vậy” - ông Châu nói.
Phó giám đốc Sở Y tế khẳng định các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ áp dụng cách ly tập trung đối với các bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền, không thể theo dõi sát và nơi ở không đáp ứng điều kiện điều trị tại nhà.
Thời gian tới, ông Châu cho biết TP.HCM đang có kế hoạch giảm dần các khu cách ly tập trung với mục tiêu hướng tới là tăng cường điều trị, cách ly F0 tại nhà. Một số khu cách ly tập trung trước đây tại trường đại học, ký túc xá sẽ có lộ trình giảm dần khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.
Đối với hệ thống điều trị, sau ngày 30-9, TP.HCM sẽ dần chuyển đổi các bệnh viện (BV) điều trị COVID-19 về đúng công năng ban đầu. Theo đó, trước mắt đến ngày 30-9, BV đa khoa tại quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ sẽ được chuyển đổi công năng trở lại để phục vụ các bệnh nhân không mắc COVID-19.
Đang điều tra về thông tin thuốc Molnupiravir bán ở ngoài thị trường “chợ đen”
Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi thời gian qua, báo chí có phản ánh trường hợp thuốc kháng virus Molnupiravir bán ở ngoài thị trường “chợ đen”. “Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý trường hợp nào vi phạm hay chưa?” - PV đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Thanh tra Sở Y tế cùng Công an TP.HCM đang tìm hiểu, điều tra và xử lý vi phạm nếu có xảy ra. “Khi nào có kết quả, Công an TP.HCM sẽ thông tin đến báo chí” - ông Châu nói.
Theo ông Châu, thuốc Molnupiravir (trong gói thuốc C) được sử dụng dưới sự kiểm soát đặc biệt của ngành y. Người sử dụng thuốc phải ký vào văn bản đồng ý sử dụng và cơ sở y tế địa phương theo dõi rất chặt.
Tại một số địa bàn trọng điểm, nhóm chuyên gia của ĐH Y Dược TP.HCM theo dõi kỹ hơn, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ năm và ngày thứ bảy sau khi dùng thuốc để đánh giá. Gói thuốc C dùng tại nhà hay BV dã chiến đều phải được quản lý chặt chẽ. “Nếu thuốc còn dư sẽ phải trả về Sở Y tế để quản lý” - ông Châu nói.
Ông Châu cho biết thời gian qua, khi triển khai cấp gói thuốc A, B, C để điều trị F0, Sở Y tế đã thành lập tám đoàn để kiểm tra việc phát ba gói thuốc này. “Mới đây, có thông tin trên mạng về việc bán gói thuốc C, Sở Y tế đã ban hành văn bản để nhắc lại vấn đề sử dụng và quản lý gói thuốc C” - ông Châu nói.
Phát hiện 112 F0 qua phần mềm VNEID
Trả lời câu hỏi liên quan đến nhiều F0 được phát hiện qua phần mềm VNEID, Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết theo thống kê của ngành công an, từ ngày 29-8 đến 20-9, có 607 lượt nghi nhiễm COVID-19 di chuyển đi qua các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn TP. Trong số này có 406 lượt đi qua nhiều chốt kiểm soát dịch nên thông tin thu thập dữ liệu bị trùng lặp, do vậy còn 201 trường hợp nghi nhiễm.
Trên cơ sở đó, Công an TP.HCM đã tiến hành xác minh được 199 trường hợp, còn hai trường hợp đang tiến hành xác minh.
Trong số 199 trường hợp này có 112 trường hợp là F0, trong đó đã phối hợp để đưa 78 F0 cách ly tại nhà, 34 trường hợp tổ chức cách ly tập trung, 52 trường hợp sau khi xác minh không phải là F0 và cũng có 35 trường hợp nhiễm F0 nhưng đã khỏi bệnh.
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...
Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại ở 1 huyện
Huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại sau khi phát hiện nhiều con chó cắn...