TPHCM phát hiện thêm 3 ca mắc biến thể phụ Omicron trong cộng đồng
Sáng 5/1, Sở Y tế TPHCM đã có phản hồi chính thức xoay quanh việc TPHCM xuất hiện biến thể phụ mới XBB của Omicron.
Trước đó vào ngày 4/1, Sở Y tế nhận được thông báo kết quả giải trình tự gene từ tổ chức OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford), về việc phát hiện 3/52 mẫu phết họng từ người bệnh Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM có biến thể XBB trong tháng 12/2022.
Bên cạnh đó, hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2 trong cộng đồng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) phối hợp với Viện Pasteur TPHCM thực hiện cũng ghi nhận có 3 mẫu là biến thể XBB, xuất hiện vào trung tuần tháng 11/2022. Cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TPHCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75.
Theo báo cáo của HCDC, số ca mắc mới trong khoảng thời gian trung tuần tháng 11/2022 đến nay là 208 trường hợp mỗi tuần, thấp hơn thời gian trước đó (trung bình mỗi tuần có 301 ca mắc mới). Bên cạnh đó, số ca nặng điều trị tại các bệnh viện cũng có dấu hiệu giảm nhẹ, hiện còn 7 trường hợp nặng (do bệnh nền đi kèm) đang thở máy, trong đó có 04 trường hợp do bệnh viện tỉnh chuyển đến.
Sở Y tế TPHCM cho biết, XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10/2022. Tại Châu Á, biến thể này đã xuất hiện tại Singapore, Ấn Độ… Còn biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB, đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022.
Ngành y tế TPHCM khẳng định, hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết nên sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Sở Y tế TPHCM dẫn nhận định từ WHO, tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong đối với các biến thể của Omicron.
Thống kê đến thời điểm tháng 9/2022, nhờ chiến lược tiêm vaccine, miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 tại TPHCM đạt 98,7%. Tuy nhiên ngành y tế địa phương cảnh báo, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vaccine sẽ giảm theo thời gian, nếu người dân không tham gia tiêm hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, XBB.1.5. là biến chủng phụ XBB có đột biến F486P, khiến virus gia tăng khả năng xâm nhập vào tế bào, từ đó làm tăng khả năng lây lan của Covid-19. Tính đến đầu năm 2023 ở Hoa Kỳ, 40% các trường hợp nhiễm bệnh là do XBB.1.5.
Để đối phó với biến chủng phụ XBB.1.5, chuyên gia cho rằng những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đã được khuyến cáo từ trước rất quan trọng, bao gồm đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, không tụ tập đông người nếu không cần thiết.
Người dân cũng cần tiêm vaccine, theo dõi tự phát hiện và xét nghiệm Covid-19, đặc biệt ở người có nguy cơ bệnh tiến triển nặng, để có thể tự cách ly và được điều trị với thuốc kháng virus.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....