Ngày 10/8, đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã tiến hành phẫu thuật cho một bệnh nhân bị biến chứng rất nặng, liên quan đến việc dùng thuốc trị cường giáp.

Bệnh nhân là chị N.T.N.M. (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức). Theo lời kể của người nhà, từ 10 năm trước, chị M. đã phát hiện bị bướu cổ do cường giáp, được điều trị tại một bệnh viện đa khoa ở TPHCM.

Khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nơi điều trị cho chị M. (Ảnh: Hoàng Lê).

Sau một thời gian, bệnh nhân được khuyên lên tuyến trên để xử trí triệt để bướu cường giáp bằng iod phóng xạ. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh nhân xin về và chỉ uống thuốc cầm cự.

Ngày 4/6, người phụ nữ bất ngờ sốt cao, đau họng và đi đứng loạng choạng, phải nhập Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Khôi Nguyên, khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân M. được chẩn đoán bị tuyệt lạp bạch cầu (sụt giảm sản xuất bạch cầu nghiêm trọng) do thuốc kháng giáp, dẫn tới viêm phổi nặng.

Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ diễn tiến nhiễm trùng nặng và nguy hiểm tính mạng.

Người phụ nữ bị biến chứng nặng khi đang dùng thuốc trị cường giáp (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh nhân được điều trị với thuốc kích thích bạch cầu và kháng sinh phổ rộng nhưng đáp ứng rất chậm. Bên cạnh đó, vì giảm bạch cầu và suy giảm miễn dịch, người phụ nữ có tình trạng nhiễm nấm xâm lấn hầu họng, cần điều trị với thuốc kháng nấm thời gian dài.

Sau thời gian can thiệp tích cực, có sự hội chẩn với chuyên khoa Huyết học của Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng viêm phổi và nhiễm nấm xâm lấn của bệnh nhân dần được đẩy lùi, số lượng bạch cầu hồi phục, hết sốt.

Lúc này, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để xử lý triệt để bệnh lý cường giáp và các biến chứng liên quan.

Người phụ nữ được thay huyết tương để đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật, trước khi được cắt toàn bộ tuyến giáp, sau đó trải qua hành trình hồi sức, hỗ trợ hô hấp liên tục. Đến nay dù đã cai máy thở, bệnh nhân vẫn còn điều trị tích cực, chăm sóc dinh dưỡng, với chi phí tăng cao.

Theo bác sĩ Nguyên, cường giáp là một bệnh khá thường gặp, do sự hoạt động quá mức của tuyến giáp, gây triệu chứng sụt cân, run tay, tim đập nhanh, hồi hộp…

Trường hợp của bệnh nhân trên khá đặc biệt, khi biến chứng tuyệt lạp bạch cầu nặng nhưng đáp ứng chậm với các loại kháng sinh và thuốc kích thích bạch cầu, khiến việc điều trị rất khó khăn.

Bệnh nhân phải thay huyết tương trước khi tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ Nguyên chia sẻ, các biến chứng do cường giáp hoặc do thuốc điều trị cường giáp dù ít gặp nhưng có thể nặng và nguy hiểm, khiến bệnh nhân có thể bị giảm bạch cầu, tổn thương gan cấp. Do đó, bệnh nhân cần khám và theo dõi đều đặn, không tự ý dùng thuốc mà không theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Khi sử dụng thuốc, tùy theo cơ địa mỗi người sẽ gặp những biến chứng khác nhau. Vì thế bệnh nhân cần được bác sĩ theo sát, nắm bắt tình hình để phát hiện sớm những tình trạng xấu và điều trị kịp thời.

Bên cạnh dùng thuốc, còn có các phương pháp khác điều trị bệnh cường giáp như phẫu thuật, uống iod phóng xạ…

"Bệnh nhân cần tái khám ngay nếu có triệu chứng sốt, đau họng, vàng da, nổi mẩn da trong quá trình điều trị cường giáp với thuốc", bác sĩ khuyến cáo.