Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận thêm cơ sở làm đẹp ngang nhiên dùng thuốc gây tê và đã xảy ra sốc phản vệ. Ảnh: Pinterest.

Sở Y tế TP.HCM cho biết theo quy định pháp luật, ngoại trừ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ còn lại không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng nào.

Tuy nhiên, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM từng phát hiện và xử lý nhiều cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp bao gồm cơ sở chăm sóc da (spa), cắt tóc, gội đầu, làm móng, lén lút triển khai phẫu thuật hút mỡ với thuốc gây tê. Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận thêm cơ sở làm đẹp loại hình này ngang nhiên dùng thuốc gây tê và đã xảy ra sốc phản vệ.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở cũng từng phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da lén lút triển khai phẫu thuật thẩm mỹ.

Sở Y tế TP.HCM cho hay chưa có quy định chi tiết về tên biển hiệu của các loại hình có cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp. “Thẩm mỹ viện…” hay “Viện thẩm mỹ…” là 2 cụm từ thường được các cơ sở làm đẹp chọn đặt tên.

Do đó, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các Phòng Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức trực thuộc UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục tăng cường tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý chặt hơn cũng như kịp thời phát hiện và ngăn chặn người hành nghề, cơ sở hành nghề làm đẹp trái phép trên địa bàn.

Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các địa phương nên tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các quảng cáo quá phạm vi cho phép (quảng cáo trên biển hiệu, quảng cáo trên báo, đài, trên mạng xã hội,…).

Theo ghi nhận của Sở Y tế TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da và nhiều cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng.