Khi con được 6 tháng, tôi có ý định thuê người giữ trẻ thì ông bà nội ở quê nhất quyết không cho, bảo thời nay bạo hành trẻ nhiều lắm. Thế là ông bà khăn gói vào Sài Gòn trông cháu dù tôi chẳng hề lên tiếng nhờ và thâm tâm cũng không muốn ở chung. Nhưng nhà của ông bà thì ông bà vào, tôi chẳng có lý gì để cản. Tôi nói ra riêng thì chồng không chịu. Ông bà vào được một tháng, cô em gái chồng cũng dọn về ở chung. Dù ông bà có lương hưu, em chồng làm tháng cả ngàn đô nhưng mọi khoản từ điện nước, ăn uống, đến cái bóng đèn hư, cái ống nước hỏng cũng là tiền của chúng tôi.

Tháng đầu tiên tôi gửi ông bà 10 triệu để chi tiêu, tháng thứ hai bà nói do không rành đường xá nên tôi lo việc chợ búa chi tiêu. Việc em chồng ở chung, mẹ chồng nói: “Con Nhi có nói với mẹ sẽ phụ tiền ăn uống với anh chị nhưng mẹ bảo không cần. Thêm đôi đũa cái bát có là bao. Với em nó đang gom tiền mua đất nên để nó tập trung”. Nhà 3 cái máy lạnh, tiền điện cũng ngót 3 triệu, tiền ăn sáng 3 triệu (ông bà nói ngày ăn cơm 3 bữa ngán lắm, mà mua đồ ăn sáng thì mua cho cả nhà, gồm có em chồng tôi). Sáng tôi dậy sớm nấu cơm để vợ chồng mang theo trưa ăn. Ngoài những khoảng ăn uống cố định thì phát sinh thêm kiểu: tháng này mẹ mệt nên có nhờ bác Tứ mua lạng yến, lãnh lương con gửi lại nhé. Rồi cây vợt của bố hư, cuối tháng chúng mày đưa bố một triệu mua cây khác. Lương vợ chồng tôi gom lại chỉ được 20 triệu, nhà 5 người lớn, một đứa nhỏ, tháng nào cũng hết sạch chẳng tích góp được gì. Phần ông bà và em chồng, họ để dành tiền rồi cuối năm đi du lịch. Khi đi còn hỏi vợ chồng tôi muốn tham gia cùng không, mỗi người đóng 20 triệu. Lúc ra đường, bà lúc nào cũng nói hàng xóm rằng vợ chồng tôi sướng, có nhà cao cửa rộng để ở, ông bà chăm cháu, đi làm về là có cơm nước sẵn sàng. Mặt khác lại khen em chồng tôi giỏi giang, còn trẻ nhưng đã mua được đất.

Ảnh minh họa

Mỗi lần tôi nói với chồng chuyện không tích lũy được gì, anh bảo có nhà rồi cần gì phải lo. Rồi còn bảo tôi "ở phải thì trời rải cho, đừng suốt ngày so đo tính toán như thế". Riết rồi tôi cũng chẳng muốn nói. Con tôi nay được 20 tháng, muốn cho cháu đi học thì ông bà lại phản đối, bảo ông bà chăm là nhất, không đi đâu cả. Vừa rồi tôi nói với chồng từ tháng này tôi sẽ trích 5 triệu trong lương để lập tài khoản tiết kiệm cho con, anh đồng ý. Do đó, đồ ăn trong nhà tôi mua ít lại, rau nhiều hơn thịt, chuối nhiều hơn táo… Được một tuần thì em chồng tôi lên tiếng: “Mình còn trẻ ăn sao cũng được, nhưng bố mẹ lớn tuổi ăn uống phải đủ dinh dưỡng, chị nên xem lại cách đi chợ cho hợp lý”. Tôi nói do lương 2 vợ chồng cố định, mà phát sinh nhiều khoản và vật giá leo thang nên phải ăn tiêu tằn tiện lại mới đủ. Thế là em chồng bảo nếu tháng nào thiếu thì nói, cô ấy sẽ cho mượn chứ không cần nhịn ăn nhịn tiêu kiểu nhà nghèo thế này đâu. Tôi nói lương chỉ có nhiêu đó, nếu mượn rồi lấy đâu trả. Thế là mẹ chồng tôi lên tiếng: "Thời buổi này mà còn phải lo cái ăn cái mặc thì vợ chồng chúng mày cần xem lại năng lực của mình. Người ta làm chuyện lớn, mua đất mua nhà, còn chúng mày có cái ăn cũng không lo được là dở”.

Đến đây tôi đã quá sức chịu đựng của mình nên tôi nói: "Đúng là con dở thật, nhưng suy cho cùng con cũng chưa ngửa tay xin ai một đồng, chưa ăn bám của ai dù chỉ một bữa". Chồng trừng mắt nhìn tôi, còn tôi không kìm được nỗi uất bỏ chén cơm giữa chừng, nước mắt chực trào ra. Trong hoàn cảnh này, tôi đã thấy mình chạm đến giới hạn của sự chịu đựng. Mà khi không chịu đựng được, chồng cũng không chịu ra riêng thì có phải ly hôn là giải pháp duy nhất và cuối cùng của tôi không? Mong nhận được góp ý của các bạn.