Tôi 42 tuổi, là giám đốc đơn vị thuộc nhà nước. Vợ tôi làm hợp đồng, trong tháng này là phải nghỉ việc, không có thu nhập thêm. Chúng tôi cưới nhau được 17 năm, có 2 con, 11 tuổi và 7 tuổi. Từ ngày tôi chuyển công tác cách nhà khoảng 30 km, tôi về nhà ít hơn. Vợ tôi thường xuyên tụ tập ăn nhậu, hát hò thâu đêm, một tuần khoảng 3-4 lần. Mỗi lần tôi gọi điện về thì vợ bảo đang ở bên ngoại. Bố mẹ vợ tôi cũng bao che cho cô ấy. Có lần tôi về đột xuất trong đêm và phát hiện ra. Tính vợ tôi hơi lăng nhăng, cặp với mấy người rồi, tôi đã nhắc nhở nhưng không thay đổi.

Ảnh minh họa

Tôi sống xa quê, một mình lập nghiệp, tạo dựng nên tất cả. Tôi từng đề nghị với vợ ly hôn để tôi nuôi con nhưng vợ không chịu ký. Hôm sinh nhật con gái, tôi tổ chức cho con, hỏi mẹ đâu thì nó bảo mẹ đi du lịch. Thời gian sau đó, cô ấy lại đơn phương ly hôn tôi và đòi nuôi con. Nhưng tôi rất lo lắng, vì vợ tôi dạy con không được tốt. Khoảng 3 tháng gần đây, vợ tôi đưa con qua nhà ngoại. Không biết gia đình vợ nói gì mà các con cứ nhìn thấy tôi là tránh mặt. Tôi sợ rằng họ đã tiêm nhiễm những điều không hay vào đầu con tôi. Trước đây, các con thương cả bố và mẹ nhưng lại thích ngủ cùng bố.

Xin nói thêm là vợ tôi hay vùng vằng, thường đem con ra hành hạ mỗi khi nói chuyện với chồng. Tính tôi thì nhiệt tình, hay giao lưu nên vợ thường ghen tuông nhưng tôi không bao giờ đi ngoại tình. Tôi hơi cộc cằn nhưng nói xong rồi thôi, còn vợ cũng thế nhưng lại hay lôi chuyện cũ ra nói đi nói lại. Cả hai vợ chồng tôi đều có ngoại hình khá ổn, tôi cao ráo, còn vợ xinh xắn. Tôi không biết có nên giữ lại một người phụ nữ như vợ nữa không? Và có cách nào để tôi được nhận nuôi cả hai con không? Mong chuyên gia và quý độc giả cho tôi xin lời khuyên.

Tân

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Xuân gợi ý:

Chào bạn Tân,

Không rõ bạn bắt đầu đi làm xa nhà từ bao giờ? Có phải mọi chuyện rắc rối chỉ xảy ra sau khi bạn đi làm xa? Trước đó, vợ bạn có những hành vi đáng chê trách như bây giờ không? Việc chuyển công tác này là do bạn tự xin hay được cơ quan thuyên chuyển? Có thể vì chuyện chuyển công tác khiến vợ bạn cảm thấy chán chường nhưng lại không thể nói được gì. Ở đây, bạn không cho chúng tôi biết thái độ, phản ứng của vợ khi biết chuyện bạn đi làm xa nhà nên sẽ rất khó để đoán được nguyên nhân cụ thể.

Bạn là người nhiệt tình, thích giao lưu với mọi người, ngoại hình khá, lại có địa vị xã hội. Phải chăng bạn đã nhiệt tình, giao lưu thoải mái quá, không giữ khoảng cách khiến vợ cảm thấy không hài lòng dẫn tới ghen tuông? Bạn nên xem thử có phải vì cách cư xử của mình, cộng thêm việc chuyển công tác xa nhà khiến vợ phật lòng, chán nản?

Bạn và vợ đã bao giờ ngồi nói chuyện với nhau về những việc xảy ra trong cuộc sống vợ chồng chưa? Có lẽ vợ chồng bạn thường không giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân đến nơi đến chốn nên sự việc mới càng lúc càng đi xa.

Bạn cũng nên xem lại vì sao bố mẹ vợ lại bênh vực cho hành vi của vợ bạn? Nếu một gia đình bình thường sẽ chẳng bố mẹ nào đồng ý để con mình chơi bời và cư xử như vậy với chồng. Liệu có phải bạn đã làm gì khiến họ khó chịu? Hoặc họ bị vợ bạn dối gạt mà không biết? Bạn đã đến nói chuyện với bố mẹ vợ chưa? Trong trường hợp bố mẹ vợ bạn bênh vực cô ấy một cách mù quáng, không nói lý lẽ thì một gia đình như vậy cũng chẳng còn gì để nói nữa.

Ngoài ra, bạn thử tìm hiểu kỹ xem hiện tại vợ bạn có mối quan hệ nào bên ngoài không. Bởi trước đó bạn đề nghị ly hôn, vợ không đồng ý, vậy mà thời gian gần đây cô ấy lại đột ngột gửi đơn ra tòa đòi đơn phương ly hôn. Nếu đúng thế thì một người phụ nữ như vậy không đáng để bạn tha thứ và giữ lại. 

Dù bạn muốn ly hôn hay không thì trước khi ra tòa, bạn nên gặp mặt nói chuyện với vợ một lần cho rõ ràng, dựa vào những thông tin từ cuộc nói chuyện và thái độ của vợ để đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu ly dị, bạn cũng nên thỏa thuận với vợ về quyền nuôi con và cuộc sống sau ly hôn. Trong trường hợp bất đắc dĩ là vợ bạn không chịu hợp tác thì mới phải tranh chấp trên tòa.

Còn về quyền nuôi con, đứa 11 tuổi được quyền lựa chọn theo bố hoặc mẹ, còn đứa 7 tuổi sẽ được tòa phân dựa theo điều kiện, hoàn cảnh của từng người. Thông thường sẽ là chia đôi, mỗi người nuôi một đứa. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, bạn đang có lợi thế hơn vợ. Bạn có thể chứng minh với tòa về khả năng tài chính của mình, việc vợ sống buông thả, có hành vi xúi giục con tránh né bố đẻ. Đồng thời bạn hãy nói lên nguyện vọng được nuôi 2 con của bản thân để tòa xem xét. 

Chúc bạn bình tĩnh, xử lý tốt mọi chuyện.