Liên quan đến vụ người phụ nữ sống sót 7 ngày dưới vực sâu Yên Tử, danh tính nạn được xác định là bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963), ngụ tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Theo Dân Trí, ông Nguyễn Văn Thuận - nhân viên Phòng Quản lý bảo vệ di tích, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử - cũng là người trực tiếp tham gia giải cứu người phụ nữ dưới vực Yên Tử đã kể lại toàn bộ quá trình trên.

Ông Thuận cho hay, sáng 3/5, ông cùng anh em trong tổ công tác đi tuần tra, kiểm soát tại trên địa bàn như thường ngày. Khi đến khu vực chùa Đồng bỗng nghe có tiếng "cứu tôi với". Sau thời gian tìm kiếm, đến khu vực phía Tây Nam chùa Đồng thì nhóm của ông phát hiện tiếng người phụ nữ kêu cứu dưới vực sâu tại đây.

Trước tình thế cấp bách, ông Thuận một mặt báo cáo lãnh đạo, một mặt cùng anh em trong tổ công tác tổ chức lực lượng gồm có bảo vệ của chùa Đồng, người kinh doanh bán lưu niệm và lực lượng của Công ty Tùng Lâm bố trí người ròng dây xuống; đồng thời cử một số người theo dây đi xuống phía dưới để tìm kiếm, xác định vị trí của người bị nạn đang ở đâu.

Khi tìm thấy nạn nhân, nhóm cứu nạn phải phát cây, mở đường để đưa lên - Ảnh: Dân Trí

Ông Thuận cho biết, khi xuống đến nơi, anh em phát hiện nạn nhân là một người phụ nữ tại một phiến đá ở khu vực có độ sâu khoảng 40 m. Sau khi kiếm tra, xác nhận người phụ nữ không có chấn thương nặng, chỉ bị xây xát ngoài da do quá trình rơi xuống đu bám vào cây để níu giữ thì cả nhóm mới tiến hành đưa nạn nhân lên phía trên. Tuy nhiên, quá trình "giải cứu" gặp khó khăn do vực núi quá sâu nên mọi người đã quyết định phát cây, mở đường thay nhau cõng nạn nhân lên phía trên. 

Sau khi lên được phía trên bờ vực, mọi người để nạn nhân ngồi nghỉ lấy lại tinh thần, hỗ trợ nước uống, sữa rồi sau đó mới dìu vào trong chùa Đồng nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng. Đợi đến lúc tình hình nạn nhân đã ổn và có thêm lực lượng hỗ trợ thì tổ công tác thay phiên nhau cõng nạn nhân xuống ga cáp treo.

 

 "Với chúng tôi, đây thực sự là kỳ tích vì những người rơi xuống đó thì hầu như cơ hội sống sót là không có, trong khi nạn nhân là phụ nữ, ở dưới vực sâu 7 ngày với điều kiện thời tiết mưa, rét, đói khát và hoảng sợ" - ông Thuận nói.

Một thành viên trong nhóm cứu hộ cho biết thêm, toàn bộ khu vực này có độ sâu 70 m, nơi bà Liên rơi xuống có độ sâu 40 m.

Theo bà Liên, bà đến Yên Tử một mình, gia đình không hề biết lịch trình nên khi thấy bà Liên không trở về trong nhiều ngày đã trình báo chính quyền địa phương -  Ảnh: Dân Trí

Theo một cán bộ Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử - người trực tiếp đưa bà Liên trở về Hà Nội vào chiều 3/5, gia đình bà Liên cũng đã trình báo chính quyền địa phương về việc bà Liên đi nhiều ngày không về nhà và cũng không rõ đi đâu.

Cũng theo vị cán bộ này, chồng bà Liên vừa phẫu thuật dạ dày sức khỏe đang rất yếu, khi bà Liên trở về mọi người trong gia đình đều bật khóc mừng bà thoát nạn.

Trước đó, theo Tuổi Trẻ, kể về hành trình 7 ngày "sinh tử" của mình, bà Liên cho hay, ngày 27/4, bà đi từ nhà xuống Hạ Long lấy thuốc và dự tính thăm người bạn, tuy nhiên sau đó không tìm thấy bạn. Khi nghe một số người nói ở đây tiện xe buýt đến Yên Tử nên bà quyết định đi để chiêm bái và mong cầu điều may mắn cho gia đình.

Bà Liên sau khi đã trở về với gia đình - Ảnh: Tuổi Trẻ

Sau khi lễ Phật và chiêm bái cảnh quan, bà xuống núi và định đi nhanh để theo kịp mấy tốp người phía trước nhưng thấy mệt, ngồi nghỉ ngay sát lan can khu vực này. Khi đứng dậy, bà thấy chóng mặt, hoa mắt và ngã nhào xuống dưới.

Lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trong một cái khe, đầu gối lên rễ cây, người nằm phía dưới. Khi đó nghe có tiếng người, bà định đứng lên kêu cứu thì giẫm vào một túi rác và rơi tiếp xuống phía dưới....

Các vết thương ở tay, chân của bà Liên - Ảnh: Tuổi Trẻ

Để duy trì sự sống, bà Liên kể phải chia nhỏ gói cơm cháy trong chiếc túi mang theo để ăn dần, uống nước trong các chai bị vứt xuống trước đó.

"Ngoài bới rác thì hái lá, củ dương xỉ để ăn. Đến ngày 3-5, cơm cháy, nước cũng chỉ còn một chút và đang định đi bới rác tiếp thì may mắn có người nghe thấy tiếng tôi kêu cứu", bà Liên nhớ lại.