Tình cảnh bi thảm ở New York khi số người chết 'nhiều hơn tưởng tượng' giữa khủng hoảng COVID-19
Trong những giây phút cuối đời, Ananda Mooliya trấn an vợ và hai con trai rằng mình vẫn ổn, mặc dù họ có thể nghe thấy tiếng thở nhọc nhằn của ông từ phòng bên cạnh, dù tiếng TV mở to.
Vợ ông, Rajni Attavar, nấu súp cho ông. Mooliya muốn rời khỏi giường. Với sự giúp đỡ của con trai cả, Amith, nhân viên ga tàu điện ngầm 56 tuổi, Mooliya tìm đường đến một chiếc ghế trong nhà bếp của căn hộ ở khu vực Corona, hạt Queens. Mồ hôi chảy trên mặt, miệng Mooliya há hốc.
“Tôi lau mặt cho anh ấy”, Attavar nhớ lại trong nước mắt. “Sau đó, tôi gọi tên anh ấy. Anh ấy đã không trả lời”.
Bà vảy nước lên đầu chồng. Amith kiểm tra mạch suy yếu của cha mình. Con trai nhỏ của anh, Akshay Mooliya, 16 tuổi, gọi 911. Nhân viên y tế đến và trong khoảng 10 phút, họ dùng thiết bị hô hấp trợ thở cho ông Mooliya.
Sau đó, họ phủ lên người ông một tấm chăn trắng.
Đó là lúc 9h37 ngày 8/4, theo giấy chứng tử. Nguyên nhân gây tử vong ngay lập tức được cho là “Bệnh cúm giống như cúm xuất hiện gần đây (Có thể là COVID-19)”.
Vài giờ sau, thi thể Mooliya được đưa khỏi nhà và chuyển tới nhà xác. Sau đó 3 tuần, người ta hỏa táng thi thể ông.
“Tôi là người cuối cùng trong gia đình nhìn thấy khuôn mặt của ông trước khi chết“, Amith, 21 tuổi, nhớ lại. “Tôi thậm chí không kịp nói lời tạm biệt”.
Người chết ‘nhiều hơn tưởng tượng’
Việc xử lý những thi thể như trường hợp của ông Mooliya không phải là điều bất thường trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Số người chết vì virus corona trở thành nỗi ám ảnh đối với nhân viên y tế, nhà xác, nhà thờ và nghĩa trang. Những chiếc túi đựng thi thể chồng chất khắp thành phố New York, tâm dịch COVID-19 ở Mỹ.
Vào ngày Mooliya qua đời, đã có 799 ca tử vong vì COVID-19 ghi nhận ở bang New York. Đến nay, tiểu bang này ghi nhận hơn 24.000 ca tử vong, hầu hết là ở thành phố New York.
COVID-19 làm thay đổi đời sống, và một trong số đó là cách thành phố lớn nhất nước Mỹ đối phó với số lượng lớn người qua đời vì virus.
Mặc dù thành phố đã tăng gấp đôi năng lực lưu trữ thi thể lên khoảng 2.000 thi thể, nhưng các nhà tang lễ vẫn không thể nhận hết các ca hỏa táng vì không có chỗ chứa xác.
Một phòng hỏa táng ở Brooklyn bị hỏng vì phải xử lý số lượng thi thể nhiều khủng khiếp. Việc hỏa táng cũng vì thế mà bị trì hoãn tới giữa tháng 5 và có khi còn lâu hơn. Các thi thể tạm nằm trong các thùng xe đông lạnh trong bãi đỗ xe của nhà tang lễ. Việc chôn cất cũng trì hoãn.
“Số thi thể nhiều hơn chúng ta có thể tưởng tượng”, Joe Sherman, chủ sở hữu đời thứ tư của một nhà tưởng niệm ở Brooklyn nói. “Tôi làm công việc này đã 43 năm nhưng chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như lúc này”.
Cách xử lý tuyệt vọng
Sự quá tải trong việc xử lý các thi thể ngày một nhiều được thể hiện rõ hôm 28/4 khi 4 chiếc xe tải chở 60 thi thể đang phân hủy di chuyển trên một con đường đông đúc bên ngoài nhà tang lễ Brooklyn. Một người đi đường thậm chí nhìn thấy cả chất lỏng chảy ra từ những xe tải.
Nhà tang lễ đã hết sạch chỗ cho những thi thể đang chờ hỏa táng. Người ta phải chất thi thể lên xe tải để lưu trữ. Ít nhất một xe tải thiếu bộ phận làm lạnh, những túi đựng xác chết được đặt trên các tảng băng.
“Đó là một tình huống đáng buồn và rất thiếu tôn trọng các gia đình”, Thị trưởng Bill de Blasio nói với CNN. “Đó là một tình huống có thể tránh được … Có rất nhiều cách để nhà tang lễ có thể nhờ chúng tôi giúp đỡ. Nhưng họ lại im lặng”.
Bộ Y tế bang New York đã đình chỉ giấy phép của Nhà tang lễ Andrew T. Cleckley. Ủy viên Y tế, Tiến sĩ Howard Zucker gọi hành động của mình là “kinh khủng, thiếu tôn trọng gia đình của người quá cố và hoàn toàn không thể chấp nhận được”. CNN đã tìm cách liên lạc với ban quản lý nhà tang lễ này nhưng một người tự xưng là chủ sở hữu đã từ chối bình luận.
Tối 30/4, 18 thi thể được tìm thấy trong một nhà tang lễ đã quá tải ở New Jersey, theo Đại tá Cảnh sát bang New York Patrick Callahan.
Những ngày dài chờ đợi
Khi thi thể của Mooliya, một người nhập cư từ Ấn Độ, được đưa đi từ sàn bếp, gia đình ông hiểu rằng họ sẽ phải chờ gần 3 tuần trước khi thi thể của người thân được hỏa táng.
Theo truyền thống Ấn Độ giáo, các thi thể thường được hỏa táng một hoặc hai ngày sau khi chết, theo Amith Mooliya nói. Cha của anh, một người đàn ông sùng đạo đã được hỏa táng vào ngày 27/4. Gia đình đã không tham dự lễ hỏa táng vì quy định giãn cách xã hội.
“Tôi thắp một ngọn nến và đặt ảnh của cha tôi vào khung trên bàn”, con trai của Mooliya, một chuyên gia hóa học tại Đại học Brooklyn nói. “Chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn ông ấy. Đó là tất cả những gì chúng tôi thực sự có thể làm lúc này”.
Ngành công nghiệp chăm sóc người chết rơi vào quá tải đang khiến nhiều gia đình chẳng đưa tiễn thân nhân theo những gì họ mong muốn.
“Mỗi ngày tôi đều nhớ”, bà Attavar, 50 tuổi, nói về ngày chồng bà qua đời. “Tôi không thể ngủ được. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt của anh ấy như thế. Anh ấy là người mạnh mẽ. Tôi chưa bao giờ thấy anh ấy yếu đuối như vậy. Anh ấy đã chăm sóc chúng tôi”.
Nhưng ông Mooliya cũng may mắn hơn nhiều người khác khi được ở bên gia đình những phút cuối đời. Sự lây lan của COVID-19 đã khiến nhiều người từ biệt cõi đời sang thế giới bên kia mà không có người thân bên ạnh. “Ít nhất anh ấy không ở xa chúng tôi”, bà Attavar nói. “Anh ấy đã ở nhà. Tôi nghĩ đó là sự thoải mái mà anh ấy có được. Anh ấy đã ra đi tại nhà mình”.
Đảm bảo an toàn cho người sống
Dan Wright, thư ký thủ quỹ của Teamsters Local 813, một công đoàn với 500 thành viên bao gồm các giám đốc nhà tang lễ và nhân viên nghĩa trang, cho biết số lượng người chết tăng cao đã làm thay đổi chu trình của một buổi tang lễ. Giãn cách xã hội đã làm thay đổi cách người ta chia tay người thân.
“Đám tang về cơ bản là tập hợp lại với nhau và tưởng nhớ cuộc sống của ai đó và nói lời tạm biệt”, Wright nói. “Những điều này đã không thể làm được. Các giám đốc nhà tang lễ phải… trở thành cảnh sát để ngăn mọi người đến cạnh nhau, đứng quá gần hay ôm nhau”.
Sherman, chủ nhà tang lễ Brooklyn, cho biết bảo vệ khách hàng và nhân viên là ưu tiên hàng đầu, trong đó là việc đảm bảo khoảng cách và cung cấp đủ thiết bị bảo vệ cá nhân. “Để đối phó với đại dịch này, mối quan tâm chính của chúng tôi là sự sống“, ông nói.
Không có cuộc gặp mặt trực tiếp với các gia đình đang đau buồn vì mất người thân. Tất cả đều được xử lý trực tuyến hoặc qua điện thoại.
Số lượng lễ tang mà ông Sherman xử lý đã tăng gấp ba lần trong những tuần gần đây, với khoảng 100 cuộc gọi tuần trước. Nhà tang lễ của Sherman tiếp nhận khoảng 30 người chết mỗi tuần.
Ba tuần trước, Sherman bố trí thêm một thùng đông lạnh để có thể chứa thêm 30 thi thể.
“Tôi đang phải từ chối các yêu cầu hỏa táng trừ những người đã trả tiền trước đó hoặc những người tôi biết”, ông nói. “Các ca cần hỏa táng đã ở nhà hỏa táng Brooklyn một tháng. Tôi không muốn lưu trữ thi thể ở đây lâu như vậy”.
Lò hỏa táng bị hỏng vì quá tải
Trước khi trở thành người quản lý Nghĩa trang Green-Wood ở Brooklyn, Richard Moylan từng là một người cắt cỏ vào năm 1972. Bây giờ ông sẽ đóng cửa nghĩa trang này sau 5 thập kỷ làm việc ở đó.
“Số lượng người chôn cất cùng lúc là quá nhiều“, ông nói. “Số lượng người hỏa táng nhiều tới mức tôi chưa từng thấy”.
Số ca hỏa táng tại Green-Wood đã tăng vọt từ 70 đến 130 mỗi tuần, theo Moyland. Số thi thể phải chôn cất còn nhiều hơn gấp đôi, tới khoảng chục người/ngày. “Và nếu chúng tôi có khả năng, chúng tôi sẽ làm được nhiều hơn“, ông nói về hoạt động hỏa táng.
“Mọi người đang chuyển các thi thể ra khỏi bang, ra khỏi thành phố. Chúng tôi xếp các chỗ vào giữa tháng 5 khi 6 tuần trước bạn có thể gọi điện và nói: ‘Tôi sẽ đến vào ngày mai hoặc thậm chí đôi khi, tôi đến trong một giờ nữa’. Bây giờ, thật đáng buồn, bạn cần một cuộc hẹn”.
Ngoại trừ việc chôn cất, hỏa táng và dịch vụ lưu trữ thi thể, tất cả các công việc khác như tỉa cây, dọn cỏ hay tân trang các bia mộ đều dừng lại.
Một trong 5 buồng hỏa táng – với nhiệt độ lên tới 1.800 độ trong 18 giờ mỗi ngày – đã bị phá vỡ do sử dụng quá mức, theo ông Moyland. “Chúng tôi có một nạn nhân của COVID-19 và những nhân viên của chúng tôi mặc đồ bảo hộ cùng thành viên gia đình người chết đi trên đường, giữ khoảng cách xa với quan tài. Ai đó nói vài lời cầu nguyện. Họ trở lại xe sau đó. Tôi còn thấy còn nhiều chiếc xe khác với nhiều người trong xe không ra ngoài”, Moyland nói.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...