Phụ Nữ Sức Khỏe

Báo Hàn: Việt Nam chống dịch tốt nhất Đông Nam Á

JoongAng Daily nhận định, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực nới lỏng các lệnh hạn chế - một thành quả rõ nét nhờ những biện pháp chống dịch nghiêm khắc.

Hàn Quốc và Đông Nam Á gần gũi về mặt địa lý nên có nhiều giao lưu về con người, kinh tế và văn hóa. Sự bùng phát của Covid-19 tác động lớn đến các mối quan hệ kinh tế, trao đổi văn hóa, du lịch gữa Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. JoongAng Daily - một trong những tờ báo uy tín của Hàn Quốc - có bài viết nhận định về tình hình đại dịch ở khu vực này, trong đó đề cập đến Việt Nam như một hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19.

Một Đông Nam Á vắng bóng khách du lịch

Nhà sư Thái Lan tặng thực phẩm cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại nước này.

 

Đông Nam Á là địa điểm du lịch mà người Hàn Quốc rất yêu thích. Nếu không phải vì Covid-19 thì có lẽ rất nhiều người Hàn đã xách vali đến đây du lịch hoặc nghỉ ngơi vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5 trong tuần nghỉ lễ Vàng. Hiện tại, các điểm du lịch nổi tiếng của Đông Nam Á đều đang rất trống vắng. Nhiều người dân nơi đây cũng đang bị phong tỏa hoặc cách ly tại nhà riêng, thay vì tiếp đón khách du lịch nước ngoài, do sự lan rộng của đại dịch.

Do đó, nền kinh tế Đông Nam Á đang trong tình trạng bất ổn vì ngành công nghiệp "không khói" ngừng hoạt động. Covid-19 lan nhanh tại hầu hết khu vực này nhưng cơ sở hạ tầng y tế nhìn chung lại khá yếu kém. Vì vậy không thể tìm được phương pháp nào khác ngoài cách ly và phong tỏa triệt để. Vậy mà, một số quốc gia lại đang gặp phản ứng vì biện pháp này bị cho là vi phạm nhân quyền. Vì lý do đó, ở Thái Lan có trường hợp phản đối chính sách hạn chế đi lại của chính phủ. Nhà cầm quyền Philippines và Campuchia cũng đã tận dụng tối đa quyền lực để áp đặt lệnh lên người dân. Ngay cả những quốc gia có điều kiện kinh tế tốt như Singapore cũng đang gặp phải các vấn đề về cả y tế lẫn xã hội, với sự bùng phát của Covid-19 chủ yếu diễn ra tại môi trường cư trú tồi tàn của người lao động nước ngoài.

Việt Nam kiểm soát nội địa và khóa chặt cửa ngõ với các nước khác

Trong số các nước thành viên Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam chống dịch thành công nhất. Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, dân số Việt Nam là 95,49 triệu người, tính đến 0h ngày 3/5, 271 người đã được xác nhận dương tính và chưa có trường hợp tử vong.

Bảng tuyên truyền đeo khẩu trang, đồng lòng chống dịch ở Hà Nội.

Việt Nam có 1.400km đường biên giới với quốc gia bùng phát Covid-19 là Trung Quốc. Để đối phó, Việt Nam nhanh chóng đóng cửa đất nước và ngăn chặn sự di chuyển của người dân. Nhiều địa phương ở Việt Nam dừng đón khách du lịch đường bộ đến từ Trung Quốc kể từ 1/2. Từ 18/3, nước này dừng cấp thị thực cho người nước ngoài. Then cài cánh cổng với quốc tế được chốt lại. Ngày 3/2, lệnh đóng cửa trường học tạm thời từ mẫu giáo đến trung học phổ thông cũng được ban hành.

Ngày 1-15/4, chỉ thị về cách ly toàn xã hội được ban bố, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trừ trường hợp khẩn cấp; cấm tụ tập từ ba người trở lên, ngoại trừ các ngành thiết yếu như siêu thị hay ngân hàng, còn lại tất cả cửa hàng, địa điểm khác phải đóng cửa. Sau ngày 16/4, thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP HCM cùng 10 địa phương có người nhiễm khác phải tiếp tục duy trì cách ly xã hội cho tới 23/4. Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. 

Người Việt ăn phở sau khi lệnh cách ly được nới lỏng

Việt Nam áp dụng triệt để nguyên tắc phòng dịch: xác định người mắc và cách ly người tiếp xúc trên diện rộng. Số lượng người được xét nghiệm của Việt Nam là 261.004 người tính đến 0h ngày 3/5, nhiều nhất trong số các nước thành viên ASEAN.

Việt Nam đã thực hiện các biện pháp rất triệt để, như cách ly ngay những người tiếp xúc hoặc tất cả người nhập cảnh từ nước ngoài về, cũng như phong tỏa toàn bộ tòa nhà trong trường hợp có ca dương tính. Số người được cách ly đã hơn 186.000 người. Người dân Việt Nam cũng nghiêm chỉnh tuân theo chỉ thị của chính phủ. Thành tích nới lỏng các hạn chế trong thời gian sớm nhất cũng có thể xem như một thành quả của phương pháp phòng dịch triệt để của Việt Nam.

Thái Lan hủy lễ hội té nước truyền thống

Tình hình tại Thái Lan vẫn chưa tiến triển tốt. Người đầu tiên nhiễm Covid-19 ngoài Trung Quốc được ghi nhận tại Thái Lan vào 13/1. Theo Bangkok Post, vào trung tuần tháng 3, 100 người được xác nhận bị lây nhiễm tập thể sau khi có mặt tại một quán rượu và sân Muay Thai trong lễ hội võ thuật truyền thống vào đầu tháng. Thủ tướng Prayut Chanocha ban bố lệnh cấm mở cửa các cơ sở kinh doanh thương mại tại Bangkok vào ngày 22/3. Vậy là, những người mất việc ở thành phố đồng loạt trở về quê, vô tình tạo cơ hội cho virus lan rộng khắp cả nước.

Người dân Thái Lan vận chuyển thực phẩm tươi bằng xe tuktuk.

Vào 26/3, Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ra yêu cầu kiềm chế hoạt động kinh doanh và di chuyển, chặn ranh giới giữa các địa phương và cấm tụ tập đông người. Ngày 3/4, chính phủ nước này ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Giới trẻ Thái Lan rủ nhau nhậu nhẹt tại nhà nhiều đến mức tới 10/4 chính phủ phải xử lý quyết liệt hơn bằng biện pháp cấm bán đồ uống.

Songkran (13-15/4) vào dịp năm mới là lễ hội rất nổi tiếng của Thái Lan, cũng không được tổ chức, nhằm hạn chế tụ tập đông người. Phong tục của lễ hội là mọi người cùng tham gia té nước lên tượng Phật hoặc gia đình, bạn bè để thanh tẩy và cầu may mắn. 

Ngày 4/4, Thái Lan bắt đầu cấm các chuyến bay quốc tế và hạn chế người xa quê về nước, nếu nhập cảnh bắt buộc phải chấp hành cách ly nghiêm ngặt.

Vấn đề kinh tế tại đây còn nghiêm trọng hơn. Bộ Công Thương Thái Lan cho biết tính đến 13/4, đã có đến 7 triệu người mất việc trong tổng số 38 triệu lao động tại nước này, chủ yếu là tầng lớp thu nhập thấp. Theo dự đoán, nếu tình hình tiếp tục kéo dài thêm 2-3 tháng nữa thì số người thất nghiệp sẽ vượt quá 10 triệu. Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự tính tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ là -5,3%, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

95% người mắc Covid-19 tại Singapore là lao động nhập cư

Singapore, đất nước thành công nhất về kinh tế ở Đông Nam Á, ban đầu được coi là một quốc gia gương mẫu khi ngăn chặn Covid-19 bằng những biện pháp mạnh mẽ. Tuy nhiên, kể từ khi một đợt lây nhiễm tập thể bùng phát tại khu ký túc xá dạng tổ ong tồi tàn của người lao động, tính đến 0h ngày 3/5, số người được chẩn đoán dương tính là 17.548 người và 16 người tử vong. Với tỷ lệ hơn 3.000 người mắc/một triệu dân, Singapore là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ người nhiễm, và xếp thứ hai ở châu Á, sau Qatar.

Ký túc xá hình tổ ong nơi những người lao động nhập cư ở Singapore sinh sống.  

Theo Straits Times của Singapore, lao động nhập cư sinh sống trong không gian ký túc xá chật hẹp nên bị lây nhiễm tập thể là chuyện xảy ra trong nháy mắt. 95% ca dương tính với Covid-19 là lao động nước ngoài.

Singapore vừa gia hạn biện pháp đóng cửa trường học và nơi làm việc cho tới 1/6. Hầu như cả đất nước sẽ ngừng chuyển động trong tháng 5 này. Đây là một ví dụ cho thấy xử lý bệnh truyền nhiễm trong một quốc gia nên nhắm vào toàn cộng đồng chứ không phải chỉ một số.

Indonesia trong tình trạng khẩn cấp vì Ramadan

Vào 24/4, Indonesia đã cấm người dân trở về nước nhân tháng lễ chay Hồi giáo Ramadan. Thủ đô Jakarta thì kéo dài lệnh hạn chế hoạt động của người dân đến 22/5. Chính quyền khuyến cáo người dân hãy ở nhà cho đến khi Ramadan kết thúc, vì họ lo ngại rằng mọi người sẽ tụ tập ăn uống khi đã nhịn ăn vào ban ngày.

Người Indonesia hành lễ.

Indonesia có kết quả phòng dịch không tốt. Với dân số 267 triệu người - đông dân nhất khu vực, Indonesia cũng là một trong hai nước (cùng với Singapore) có số người nhiễm hơn 10.000 người. Indonesia có hơn 100.000 lượt xét nghiệm, nhưng nếu xét trên tổng dân số thì chỉ 395/1 triệu người được kiểm tra.

Ngoài ra, nếu Covid-19 lan rộng hơn, hệ thống y tế vốn đã yếu kém của Indonesia sẽ bị tê liệt. Báo chí địa phương đưa tin, Indonesia là một trong những quốc gia Đông Nam Á có số lượng bác sĩ và giường bệnh ít nhất tính trên 1.000 dân số.

Philippines có số người tử vong cao

Số lượng bác sĩ trên 1.000 người ở Indonesia chỉ là 0,21 người và Philippines là 1,28 người. Số lượng giường bệnh trên 1000 người ở Indonesia là 1,04 và Philippines chỉ là 0,99. Thật khó để so sánh với Mỹ, nơi có tỷ lệ 2,61 bác sĩ và 2,77 giường bệnh. Thậm chí do thiếu trang phục bảo hộ cho đội ngũ y tế nên tại một số bệnh viện, họ phải mặc áo mưa tiện lợi để chăm sóc bệnh nhân.

Người dân Philippines nhận hỗ trợ từ chính phủ.

Philippines có dân số hơn 100 triệu người, 8.928 người được xác nhận mắc Covid-19 và 603 người tử vong. Số lượng người được xét nghiệm là 115.812 người, chỉ dừng lại ở mức 1.050 trên một triệu người. Tổng thống Rodrigo Duterte đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Philippines cũng đang áp dụng chính sách cứng rắn phong tỏa toàn bộ tòa nhà trong trường hợp có ca nhiễm. Tổng thống Duterte còn bị chỉ trích là đàn áp nhân quyền khi cho phép cảnh sát bắn chết những người không tuân theo lệnh cách ly.

Malaysia quyết tâm vượt qua khó khăn bằng tích cực xét nghiệm

Đất nước hàng xóm của Indonesia là Malaysia cũng đã ban hành lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc vào ngày 18/3 và vẫn đang tiếp tục thực hiện. Chính phủ Malaysia có kế hoạch duy trì chỉ thị này cho đến 12/5. 

Các tiểu thương của một khu chợ ở Kuala Lumpur đang dọn dẹp sạp hàng trong mùa dịch.

 

Tính đến 0h ngày 3/5, tại Malaysia đã có 6.176 người được chẩn đoán mắc Covid-19 và 103 ca tử vong. Malaysia cũng là một quốc gia Hồi giáo nên họ đang rất thận trọng trong việc kiểm soát hoạt động của người dân trong tháng lễ Ramadan để hạn chế tốc độ lây lan của Covid-19. Số lượng người được xét nghiệm ở Malaysia là 184.213, tức là 5.692 người trên một triệu dân, xếp sau Brunei và Singapore. Việc tích cực xét nghiệm và cách ly cho thấy ý chí quyết tâm của chính phủ Malaysia trong việc làm dịu tình hình. 

Theo Thủy Tiên/Ione/Vnexpress

Tin liên quan

Quá khứ của người chồng giết vợ con ở Hà Nội: Từng chạy xe ôm và bị ruồng bỏ

Nghị phạm Nam có một tuổi thơ và quá khứ không mấy êm đềm. Theo nguồn tin từ phía công...

Cách ly gần 300 công dân từ nước ngoài về nước

Sáng 3-5, gần 300 công dân trở về từ các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) hạ cánh...

Xe buýt TPHCM hoạt động lại từ 4/5

69 tuyến xe buýt có trợ giá sẽ hoạt động lại từ ngày 4/5 sau hơn 1 tháng tạm ngưng...

Nắng nóng tới 40 độ ở Hà Nội ngay đầu tháng 5

Miền Bắc và miền Trung chuẩn bị đối mặt với một đợt nắng nóng gay gắt diện rộng.

Một trường hợp sốt, gần 600 người phải cách ly

Một người ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội sốt cao đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh...

Thất nghiệp vì COVID-19, nam phi công chuyển sang làm nhân viên giao hàng

Lệnh phong tỏa chống lây lan COVID-19 do chính phủ Thái Lan ban hành đã khiến nhiều doanh nghiệp nước...

350 người Việt tại Canada về nước an toàn

Gần 300 người Việt, gồm nhiều trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi và một số du học sinh...

Tin mới nhất

Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn

17 giờ trước

Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm

17 giờ trước

Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình

1 ngày 7 giờ trước

Vì sao con người lùn đi khi về già?

1 ngày 7 giờ trước

Đàn ông cũng cần được khóc

1 ngày 8 giờ trước

Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại ở 1 huyện

1 ngày 12 giờ trước

Bộ Y tế trả lời về đề nghị cân nhắc sửa toàn diện Luật Bảo hiểm y tế

1 ngày 12 giờ trước

Có 3 loại cây nhà giàu nào cũng thích: Trồng trước nhà hút tài lộc đuổi vận xui, trồng sau...

1 ngày 16 giờ trước

Ăn canh nấm rừng, 8 người bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu khẩn

1 ngày 16 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình