Tin nhắn cuối của phi công gặp nạn

Một ngày trước chuyến bay, Đại tá phi công Chu Quang Minh (59 tuổi) gửi tin nhắn cho vợ: "Mai anh bay vịnh Hạ Long". Trước đó, ông vừa hoàn tất chuyến bay công tác 10 ngày tại Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Ngân (55 tuổi) không nghĩ đây là dòng tin cuối từ chồng. Tối hôm sau, trong buổi tập văn nghệ phường, bà nhận được điện thoại của con gái lớn, báo "về nhà gấp". Căn nhà nhỏ trong ngõ Nguyễn Văn Cừ khi đó đã tập trung nhiều thành viên gia đình.

Một lúc sau, người của Công ty Trực thăng Miền Bắc (Binh đoàn 18/Bộ Quốc phòng) về đến nhà riêng của phi công Chu Quang Minh, thông báo ông gặp nạn trên hành trình chở 4 du khách tham quan vịnh Hạ Long.

Bà Nguyễn Thị Ngân (55 tuổi), vợ Đại tá phi công Chu Quang Minh.

Chiếc trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650, do ông Minh điều khiển cất cánh từ đảo Tuần Châu lúc 16h56 và mất liên lạc sau 10 phút. Vị trí máy bay rơi cách điểm khởi hành khoảng 7km, tại vùng biển giáp ranh Quảng Ninh - Hải Phòng.

"Chúng tôi vô cùng bàng hoàng", bà Ngân bật khóc, nhìn hai người con. Trong giây phút đó, bà nói vẫn còn hy vọng, chỉ nghĩ chồng đang mất tích trên biển, chờ đồng đội đến ứng cứu, dẫu biết xác suất sống sau tai nạn trực thăng là hạn hữu.  

Thời gian chờ đợi như dài đằng đẵng, bà Ngân ra chợ, mua hoa quả, thắp hương lên ban thờ tổ tiên, cầu nguyện chồng sẽ trở về như những chuyến công tác trước. Thức trắng đêm, bà nằm dài trên giường, hình dung "chưa có chuyện gì xảy ra".

Rạng sáng 6/4, thi thể Đại tá phi công Chu Quang Minh được tìm thấy. Nhận tin, người con gái đau xót, cố giấu chuyện, tránh để mẹ sốc.

Thao thức đến 2 giờ sáng, bà Ngân lên mạng cập nhật thông tin. Thấy con gái đổi ảnh đen trên trang Facebook cá nhân, bà âm thầm bật khóc. 

"Khi đó tôi biết không còn hy vọng nào nữa", gạt dòng nước mắt, bà bình tĩnh nói đã chuẩn bị tâm lý cho kịch bản xấu nhất. Nguyện vọng của bà là một vài thành viên trong gia đình xuống Hạ Long đón chồng về nhà.

Bà Ngân bật khóc kể giây phút nhận tin chồng gặp nạn.

Mong ước dang dở của người vợ

Sau 4 năm du học Nga, Đại tá phi công Chu Quang Minh về nước, công tác tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Năm 1990, ông chuyển công tác vào Đà Nẵng. Hai năm sau, hai vợ chồng kết hôn, chuyển vào Đà Nẵng sinh sống. 

Năm 1994, cặp đôi hạnh phúc đón con gái đầu lòng. Sau 6 năm, ông Minh chuyển làm việc tại Công ty Trực thăng Miền Bắc, bà Ngân một lần nữa theo chồng ra Hà Nội.

"Anh ấy đi đâu, tôi theo đó", người vợ tâm sự. Cuộc sống mới tại Hà Nội khó khăn, công việc của chồng lại vất vả, bà Ngân chưa tính đến chuyện sinh thêm con. 10 năm sau sinh con gái đầu, gia đình hạnh phúc đón thêm một cậu con trai, hiện là sinh viên năm nhất Đại học.

Mẹ vợ phi công Chu Quang Minh ngồi gục bên ban thờ.

Làm vợ phi công, bà Ngân chưa bao giờ "biết ngày nghỉ phép của chồng". 30 năm bên nhau, bà nói thời gian gắn bó rất ít, nhường chỗ cho đam mê công việc của chồng.

Tất cả công việc nội - ngoại, một mình người vợ lo liệu. Dịp lễ, Tết, ông Minh đều thu xếp về quê trước, sau đó lên Hà Nội ứng trực tại nhà, hễ nhận điện thoại lại lên đường cho những chuyến bay cấp cứu.

Những lần nam phi công đi nước ngoài vài tuần, bay dịch vụ hàng tháng trời, bà Ngân ở nhà chăm con, để chồng yên tâm công tác. Một dịp, ông Minh xin nghỉ phép, cùng vợ về quê ngoại Hải Phòng. Khi chuẩn bị ăn cơm, ông nhận lệnh, bắt xe khẩn cấp lên Hà Nội.

"Tôi biết chồng rất yêu nghề, chưa bao giờ có ý định chuyển nghề", bà chia sẻ.

Quen với lịch trình công tác dày đặc của chồng, bà Ngân trân trọng những ngày hiếm hoi ông ở nhà. Đi bay về, ông thường trò chuyện với con gái làm chung công ty, tâm sự chuyện nghề. Đó là những phút giây bình yên của ông bên gia đình.

Theo lời bà Ngân, từ giờ đến cuối năm, Đại tá phi công Chu Quang Minh có kế hoạch nghỉ hưu. Bà đã mong ước sau này hai vợ chồng sẽ dành nhiều thời gian bên nhau, đi du lịch thoải mái hơn.

Nhưng tất cả đã dừng lại, sau một chuyến bay.

Mô hình trực thăng Bell - 505 trong nhà Đại tá phi công Chu Quang Minh.

Máy bay Bell - 505 mang số hiệu VN-8650 thuộc sở hữu Công ty Trực thăng miền Bắc, cất cánh từ Tuần Châu (TP Hạ Long) lúc 16h56 ngày 5/4. Lúc này, trên máy bay có Đại tá phi công Chu Quang Minh và 4 hành khách người Đà Nẵng, đang thực hiện tour tham quan vịnh Hạ Long.

Máy bay sau đó gặp sự cố và mất tín hiệu với đài kiểm soát không lưu, vị trí rơi nằm mép bờ, thuộc phía đông bắc đảo Cát Bà, Hải Phòng.

Sau 24 giờ tìm kiếm, phần xác của máy bay Bell - 505 và hộp đen được trục vớt lên tàu. Đến sáng 7/4, toàn bộ thi thể các nạn nhân và phi công đã được tìm thấy.