Nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Nature đã mở ra hy vọng điều trị chứng nghén nặng ở thai phụ. Nghén ở thai phụ thường xảy ra ở 3 tháng đầu thai kỳ, chủ yếu liên quan đến một hoóc môn có tên GDF15. Đó là phát hiện của các nhà nghiên cứu Trường y khoa Keck - Đại học Nam California (Mỹ).

Hơn 2/3 bà bầu bị chứng ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ. Trong số này, khoảng 2% phải nhập viện trong tình trạng nghén nặng, khiến bệnh nhân ói liên tục suốt thai kỳ. Điều này có thể khiến thai phụ sụt cân, mất nước, suy dinh dưỡng và tăng nguy cơ sinh non, tiền sản giật, máu vón cục, đe dọa cuộc sống của mẹ và con.

Tiến sĩ Marlena Fejzo - đồng chủ trì nghiên cứu trên - cho biết: “Tôi đã nghiên cứu vấn đề này 20 năm, đến nay vẫn ghi nhận nhiều phụ nữ tử vong vì chứng bệnh này hoặc do điều trị sai cách”. Năm 2018, bà công bố nghiên cứu cho thấy những người bị ốm nghén nặng có mang một đột biến gen GDF15. Trong nghiên cứu mới nhất, bà và cộng sự đo nồng độ GDF15 trong máu thai phụ và phân tích các yếu tố di truyền khác nhau. Kết quả cho thấy những người bị nghén nặng đều có nồng độ GDF15 cao hơn so với người không bị.

Phát hiện này mở ra hy vọng cho việc điều trị chứng ốm nghén nặng ở thai phụ khi họ có thể được cho uống 1 loại thuốc ức chế ảnh hưởng của GDF15 lên não. Loại thuốc này đang được thử nghiệm ở bệnh nhân ung thư bị kém ăn và nôn ói do GDF15.