Tiêm phòng trước khi mang thai 'từ A đến Z' để sẵn sàng làm mẹ
Tầm quan trọng của các mũi tiêm phòng trước khi mang bầu
Đối với sức khỏe mẹ bầu
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi về thể chất, hệ thống miễn dịch suy giảm. Vì vậy, mẹ bầu rất dễ dị ứng thời tiết, cảm cúm hay nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm như sởi, quai bị, thủy đậu...
Nếu trong thời gian mang thai, người mẹ không may mắc phải một số bệnh truyền nhiễm, khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai nhi rất cao, thậm chí thai nhi có thể ngừng phát triển, chết lưu, sinh non, dị tật bẩm sinh... Đó chính là lý do tại sao chị em cần phải chủng ngừa trước khi có thai.
Đối với thai nhi
Việc chủng ngừa đầy đủ cho người mẹ trước khi mang thai giúp tạo miễn dịch thụ động cho bé ngay sau khi chào đời. Một số loại vacxin có khả năng tạo sức đề kháng cho bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ, giúp phòng tránh nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Cần tiêm phòng gì trước khi mang thai
Tiêm phòng viêm gan B
Tiêm vắc xin viêm gan B trước khi mang thai là rất cần thiết. Bởi đây là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, thai nhi mắc bệnh này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển sau này. Liều tiêm là 3 mũi, bạn cần xét nghiệm trước khi tiêm, nếu có đủ kháng thể rồi thì không cần tiêm
Tiêm phòng thủy đậu
Phụ nữ đã từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được tiêm phòng thì sẽ được miễn dịch với bệnh này vì trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh, do đó không cần tiêm phòng.
Khi mang thai nếu không may nhiễm thủy đậu có thể tăng nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh (0,4% nếu nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ, 2% nếu nhiễm ở 3 tháng giữa: sẹo ở da, tật đầu nhỏ bẩm sinh, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, ngắn chi, chậm phát triển tâm thần).
Nếu mẹ bị nhiễm trong vòng 5 ngày trước sinh, bé sơ sinh có thể bị nhiễm bệnh thủy đậu lan tỏa, tỷ lệ tử vong lên đến 20-30%.
Tiêm phòng 3 trong 1 trước khi mang thai
Đây là mũi tiêm có tác dụng phòng chống 3 tình trạng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ mắc phải trong thời kỳ mang thai là: sởi, quai bị và rubella.
Nếu mẹ mang thai bị nhiễm rubella có thể gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi: tim bẩm sinh, điếc do thần kinh cảm giác, mù hoàn toàn hay một phần, chậm phát triển tâm thần từ mức độ nhẹ đến trung bình...
Do vậy, việc tiêm phòng sởi rubella trước khi mang thai là cần thiết, sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể để ngăn ngừa nguy cơ mắc phải những loại virus gây bệnh rất nguy hiểm cho mẹ và bé.
Trước khi tiêm, bạn cũng cần kiểm tra sức khỏe trước để xác định chắc chắn mình không mang thai hay mình đã có đủ kháng thể Rubella chưa để cân nhắc tiêm phòng.
Tiêm phòng cúm
Cúm là bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp gây nên bởi virus cúm. Bệnh lây truyền nhanh và thường thành dịch. Phụ nữ mang thai nhiễm cúm nặng có thể tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu và có thể có biến chứng nghiêm trọng về phổi, đặc biệt ở những phụ nữ có tiền căn hen phế quản hay tiểu đường
Phòng lây nhiễm bằng vacxin phòng cúm có hiệu lực bảo vệ từ 70-80%. Cảm cúm là bệnh mà hầu hết phụ nữ đều mắc phải khi bước vào thai kỳ. Riêng vắc xin cúm thường nên nhắc lại hằng năm, đặc biệt với những phụ nữ có tiền sử mắc bệnh hen phế quản hay tiểu đường.
Tiêm phòng HPV trước khi mang thai
Ngoài các mũi tiêm phòng trước khi mang thai trên, với phụ nữ dưới 26 tuổi trước khi mang thai cần tiêm thêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung (HPV) theo chỉ định của bác sĩ
Nên tiêm phòng trước khi mang thai bao lâu?
Loại vacxin | Thời điểm tiêm | Số mũi tiêm |
Sởi-quai bị-rubella | Lý tưởng tiêm trước khi mang thai 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng | 1 |
Thủy đậu | Tiêm trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng | 2 |
Viêm gan siêu vi B | Nên tiêm trước khi mang thai, một số trường hợp nguy cơ cao có thể tiếp tục tiêm trong khi mang thai khi chưa hoàn thành liệu trình | 3 |
Cúm | Tiêm vào đầu mùa cúm. Trước khi mang thai 1 tháng hoặc trong quá trình mang thai đều tiêm được | 1 |
Bảng giá tiêm phòng trước khi mang thai 2019
Dưới đây là bảng giá vacxin chị em có thể tham khảo để biết chi phí tiêm phòng trước khi mang thai:
- Vacxin viêm gan B: 135.000 đồng/mũi
- Vacxin thủy đậu: 450.000 – 700.000 đồng/mũi tùy loại
- Vacxin sởi – quai bị – rubella: 165.000 đồng/mũi
- Vacxin cúm: 225.000 đồng/mũi
- Vacxin ung thư cổ tử cung HPV: 1.200.000 – 1.400.000 đồng/mũi.
Ngoài ra, chị em có thể lựa chọn gói trộn bộ 4 mũi vacxin viêm gan B, thủy đậu, sởi – quai bị – rubella và cúm với giá khoảng 2.400.000 đồng.
Không tiêm phòng trước khi mang thai có sao không?
Việc tiêm phòng trước khi mang thai là không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng, thai phụ khi mắc các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm kể trên thì khi bé sinh ra có nguy cơ bị bệnh là rất cao.
Không tiêm phòng viêm gan B: Nếu chồng hoặc vợ mắc bệnh, con sinh ra 95% sẽ bị bệnh. Khi trẻ lớn lên, viêm gan B rất dễ chuyển thành ung thư gan.
Không tiêm phòng thủy đậu: Nếu mẹ bị thủy đậu trong 5 tháng đầu thai kỳ thì trẻ có thể bị dị tật. Trong khi chuyển dạ, virus thủy đậu của mẹ cũng có thể lây sang con, khiến con mắc bệnh ngay từ khi lọt lòng.
Không tiêm phòng sởi – quai bị – rubella: Nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ, khả năng con bị dị tật hoặc sảy thai rất cao.
Không tiêm phòng cúm: Nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ, khả năng con bị dị tật rất cao.
Cần làm gì khi quên không tiêm phòng trước khi mang thai?
Không được tiêm bù vì mỗi loại vắc xin đều có thời điểm và số mũi tiêm riêng.
Vì cơ thể yếu hơn so với những phụ nữ đã được tiêm phòng nên bạn cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh và khoa học nhằm nâng cao đề kháng.
Tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ chuyên môn để có phương án khắc phục phù hợp nhất.
Làm gì khi biết mình lỡ có thai trong thời gian tiêm phòng?
Cách tốt nhất là báo với bác sĩ để nhận được sự giúp đỡ. Mang thai khi vừa tiêm vacxin không cần thiết phải đình chỉ thai kỳ, nhưng mẹ sẽ cần phải được thăm khám và theo dõi trong suốt quãng thời gian này để kịp thời xử lý các sự cố đối với thai nhi.
Kinh nghiệm tiêm phòng trước khi mang thai
Tiêm phòng là việc làm cần thiết, nhưng trước khi thực hiện, cần đến gặp bác sĩ để biết mình có phù hợp để tiêm vacxin hay không, vì một số trường hợp người mẹ dị ứng với thành phần nào đó của vacxin không thể thực hiện tiêm chủng được.
Xét nghiệm kháng thể trước khi chích ngừa hay không tùy trường hợp. Tiêm chủng đúng theo lịch tiêm phòng của bác sĩ tư vấn đưa ra trong mỗi lần thăm khám.
Trong thời gian chủng ngừa các loại vacxin, nên sử dụng các biện pháp tránh thai ít nhất 1 tháng nếu đó là vacxin sống. Nếu không may, mang thai trong thời gian đó, cần báo ngay bác sĩ, tham khảo ý kiến và theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Nếu cơ thể người mẹ đang không khỏe, hãy cân nhắc việc có nên tiêm phòng ngay hay không, bởi vì về cơ bản thì vacxin cũng là mầm bệnh đã được làm yếu đi hoặc làm chết đi, chúng được truyền vào cơ thể để kích thích sinh kháng thể. Sức khỏe không tốt có thể khiến người được tiêm bị nhiễm bệnh từ chính vacxin.
Không nên tiêm phòng khi cơ thể có các triệu chứng như sốt, cảm cúm, đang mắc các bệnh về xương khớp, thận...
Sau khi tiêm phòng vacxin trước khi mang thai, cần theo dõi cơ thể từ 24 – 48 giờ để phòng các phản ứng phụ, sốc thuốc có thể xảy ra. Khi có các biểu hiện như co giật, ngất xỉu, choáng váng hoặc chóng mặt… bạn nên đưa bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu gần nhất.
Nên tiêm phòng trước khi mang thai ở đâu uy tín?
Các mũi tiêm ngừa trước khi mang thai nên được thực hiện ở các cơ sở nhà nước như các Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm tiêm phòng hoặc các Bệnh viện phụ sản trên cả nước.
Nên tránh tiêm ngừa ở các cơ sở nhỏ lẻ, chưa được cấp phép để tránh những hậu quả không cần thiết
Tuy tiêm phòng trước khi mang thai là việc làm không bắt buộc nhưng các chị em muốn có một sức khỏe tốt cho cả mẹ và bé thì việc tiêm phòng này là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.