Ngày 2-11, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM tổ chức Hội nghị lão khoa mở rộng lần thứ 8.

Dịp này, bệnh viện cũng ra mắt Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về ghép tạng

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô tạng Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện đứng đầu các nước Đông Nam Á về ghép tạng (mỗi năm trên 1.000 ca) và đã làm chủ hết các kỹ thuật ghép tạng.

Tuy nhiên, theo bà Tiến, nguồn hiến mô tạng từ người cho chết não hiện vẫn còn hạn chế. Năm 2023, có đến 94% nguồn tạng hiến là từ người cho sống, còn người cho chết não chỉ chiếm khoảng 6%.

Năm 2024, tỉ lệ hiến tạng từ người cho chết não tăng lên khoảng 10%. Dù tỉ lệ này tăng gấp đôi sau một năm nhưng vẫn đang ở cuối bảng với tỉ lệ người chết não hiến tạng trên 1 triệu dân rất thấp.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô tạng Việt Nam. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ở các nước, nguồn tạng hiến từ người cho chết não chiếm 94%, cao nhất là Tây Ban Nha với 50 người/1 triệu dân, cứu sống hàng nghìn người mỗi năm.

Riêng Trung Quốc, tỉ lệ hiến tạng từ người cho chết não lên đến 80%.

Tạng từ người cho chết não rất ít

Việc hiến tạng từ người cho sống có rất nhiều rủi ro, có thể biến một người bệnh nặng thành 2 người bệnh.

Do đó, ngành y tế Việt Nam đang nỗ lực tăng số lượng tạng hiến từ người cho chết não, bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở các bệnh viện là yếu tố quan trọng.

“Hy vọng thời gian tới, Bệnh viện Thống Nhất sẽ làm chủ được kỹ thuật ghép gan và nhiều tạng khác, để giúp hồi sinh bệnh nhân bệnh nặng” - bà Kim Tiến nói.

Bệnh viện Thống Nhất thực hiện ca ghép thận đầu tiên. Ảnh: BVCC

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện Việt Nam có 29 bệnh viện ghép tạng, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

“Chúng ta quan tâm rất nhiều đến ghép tạng, nhưng ít khi quan tâm đến hiến tạng. Không có tạng hiến sẽ không có ghép tạng và chuyên ngành hiến tạng” - ông Hệ nói.

Theo ông Hệ, dù những năm gần đây, tỉ lệ tạng hiến từ người cho chết não ở Việt Nam đã tăng nhưng vẫn còn rất thấp. Một trong những lý do chủ yếu là ngành y tế đang rất ít quan tâm đến việc hiến mô tạng từ người chết não.

Theo một nghiên cứu, ở Việt Nam tỉ lệ nhân viên y tế hiểu đúng về hiến mô tạng từ người chết não chỉ khoảng 10%, riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) là hơn 80%.

“Việt Nam không có nhiều nguồn hiến mô tạng, mà nguồn chính vẫn là ở các bệnh viện. Do đó, để tăng tỉ lệ hiến mô tạng từ người chết não, điều khả thi và hiệu quả nhất là nâng cao hiểu biết về hiến mô tạng từ người chết não ở nhân viên y tế tại các bệnh viện” - ông Hệ nhấn mạnh.

Ghép tạng từ người cho chết não cần sự phối hợp từ nhiều bệnh viện, cơ sở y tế mới có thể làm được. Vì vậy ông Hệ cho rằng cần có mạng lưới và hệ thống hiến, ghép mô tạng rộng khắp để nhiều bệnh viện cùng chung tay.

Tiến tới kỹ thuật ghép gan

Với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện thành công 15 ca ghép thận, mang lại hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân.

Hiện bệnh viện đang chuẩn bị cho kỹ thuật ghép gan, dưới sự hỗ trợ chuyển giao từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ra mắt Chi hội vận động hiến mô tạng tại Bệnh viện Thống Nhất là một sáng kiến quan trọng trong việc phát triển hoạt động ghép tạng, mở ra nhiều cơ hội cứu sống cho các bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ.

PGS.TS.BS LÊ ĐÌNH THANH - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất