Người mẹ đau đứt ruột gửi con lên chùa

Được sự hỗ trợ gạo, mắm…của bà con làng xóm, chị Nguyễn Thị Thu Thúy (SN 1982, trú thôn Mỹ Phú, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, Phú Yên) mới dám đón cháu Nguyễn Thị Mỹ Uyên (SN 2015) về với gia đình, sau gần 1 tháng đưa cháu lên chùa để nương nhờ cửa Phật.


Vì hoàn cảnh khó khăn, nên chị Thúy phải gửi cháu Uyên (áo vàng) lên chùa nương nhờ cửa Phật

Tâm sự với PV Dân trí, người phụ nữ gầy guộc, nước da xanh đen kể, hôm chị gạt đi những giọt nước mắt để đưa con lên chùa, mục đích là để con ở chùa còn có cơm chay mà ăn và còn được học.

Chị không nghĩ rằng, khi tâm sự với con, cô con gái chị nằng nặc đòi ở nhà thà chịu ăn ít, chịu đói cũng được, miễn sao được ở bên mẹ, ở bên những đứa em thơ.

Nghe cô con gái khóc bảo: "Con ăn ít cũng được, mẹ hãy cho con ở lại với mẹ và em nha”, lòng người mẹ đau như cắt.

Chị ngậm ngùi kể tiếp, nếu không đưa cháu đi lên chùa, thì thân tôi mang bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận 3 lần/tuần, không tiền bạc, công việc, đất đai…thì lấy gì nuôi 3 cháu.


Bị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối nên chị Thúy khó mà gánh vác việc nuôi nấng, chăm lo học hành cho 3 con

“Để cháu ở lại gia đình là cháu phải chịu đói, chịu khát, không còn cách nào nữa nên tôi mới phải làm như vậy, chứ người mẹ nào muốn đưa con mình cho người khác chăm nuôi”, chị Thúy nghẹn ngào.

Người phụ nữ lấy hành lang bệnh viện làm nhà

Đôi mắt hốc hác, đôi tay u sần vì chạy thận, tâm sự về cuộc đời mình, chị Thúy cho hay, chị là con út trong một gia đình đông con, nên sinh ra và lớn lên trong sự đói khát, thiếu thốn…


 

Căn bệnh suy thận mạn như dấu chấm hết cho cuộc đời vốn lắm tủi nhục, cơ cực của chị Thúy

Cũng là phụ nữ, nhưng cuộc đời của chị trải qua nhiều khổ cực khi phải bỏ học từ nhỏ, bươn chải đủ nghề, lúc thì chị đi cắt cỏ thuê hay phải xách từng xô vữa giữa trời nắng làm công việc phụ hồ ở huyện Sông Hinh (Phú Yên)…mới đủ sống.

Theo lời chị Thúy, đến năm 2008, tự nhận thấy phận mình khổ nên chị chả dám yêu ai, chị tự ngỏ lời với một người đàn ông “xin” một đứa con để sau này có người chăm lo tuổi già. Thế là năm 2008, cháu Nguyễn Thị Miễn được sinh ra.

Một mình làm lụng chăm nom cháu Miễn đến 6 tuổi, chị Thúy được một người đàn ông tên B. ở Tây Ninh ngỏ lời “trăm năm” thế là chị vào tận nơi đất khách, quê người để sống cùng B. Dù không cưới xin, nhưng vẫn sống như vợ chồng. Thế là năm 2015 cháu Nguyễn Thị Mỹ Uyên ra đời, 3 năm sau cháu Nguyễn Ngọc Quỳnh Như tiếp tục được sinh hạ.

Khi sinh cháu Như ra đời, cháu chỉ nặng có 1,8kg, lúc này các bác sĩ ở bệnh viện Tây Ninh cho biết, chị Thúy đang có dấu hiệu của bệnh suy thận, nên chạy chữa.


 

Cháu Như năm nay mới 2 tuổi, nhưng phải sống những ngày thiếu mẹ vì chị phải nằm ở bệnh viện chạy thận

Sau này, chị có lên bệnh viện ở TP. HCM thăm khám, điều trị được 2 lần, nhưng do gia đình đói khổ, không có kinh phí nên chị Thúy dừng hẳn không tái khám nữa. Tưởng rằng bệnh tật lướt qua, nào ngờ đến tháng 7/2019 đôi chân chị sưng phù, không đi đứng được. Lúc này, khi đưa lên bệnh viện bác sĩ bảo chị bị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.

Từ ngày đổ bệnh, cuộc sống vợ chồng không còn êm ấm, mà thay vào đó là sự cáu gắt, la rầy của anh B. Thấy không còn sống được với nhau nữa, chị Thúy dắt con lên đường về quê nhà ở với cha mẹ già.

Ngày rời Tây Ninh, mấy mẹ con không có một đồng để đi tàu xe, phải xin hàng xóm, láng giềng ở trong đó, người cho 50.000 - 100.000 đồng, riêng mẹ chồng cho được 2 triệu, mới đủ tiền về tới đây”, giọng chị Thúy nghẹn lại.

Sau khi về được đến quê nhà, chị về sống nương nhờ với cha mẹ già gần 90 tuổi ở căn nhà tình thương được nhà nước hỗ trợ.


 

Căn nhà tình nghĩa nhà nước hỗ trợ cho cha mẹ chị, nay là nơi nương náu của 4 mẹ con

Chưa dừng lại ở đó, nhà của cha mẹ chị Thúy cách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên gần 50 km. Chị và cha mẹ thì lại không có xe máy nên mỗi lần muốn di chuyển xuống bệnh viện để chạy thận là vô cùng khó khăn.

Theo chị Thúy mỗi lần muốn xuống viện, chị phải bỏ 100.000 đồng để nhờ xe ôm chở, sau khi chạy thận xong, chị cứ nằm ra ghế đá, hành lang của bệnh viện mà ngủ, chờ ngày chạy thận tiếp theo. Đến cuối tuần, nhớ con chị lại phải bỏ thêm 100.000 đồng để về với các cháu.

“Chạy lên, chạy xuống tôi làm gì có tiền để trả cho xe ôm, nên mỗi lần chạy thận xong tôi lại lấy hành lang khoa thận bệnh viện làm nhà ở. Tôi cứ nằm ra ghế đá hoặc dưới sàn nhà mà ngủ để chờ ngày chạy thận tiếp theo. Cơm, nước tôi xin các đoàn từ thiện để sống qua ngày…đến cuối tuần nhớ con tôi lại về.


 

Ông bà năm nay đã gần 90 tuổi nên không phụ giúp được chị Thúy nhiều

Ông Tạ Tấn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh cho biết: “Qua xác minh của địa phương, hiện tại gia đình chị Thúy rất khó khăn. Cụ thể, chị Thúy bị bệnh suy thận giai đoạn cuối nhưng phải chăm nuôi 3 con nhỏ, chị không có chồng, ở với cha mẹ thì già yếu.

Trước những khó khăn của gia đình chị, đến nay chính quyền đã hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế để chị có thể chạy thận miễn phí 100%, ngoài ra xã đang xem xét hồ sơ để chuẩn bị cho chị hưởng chế độ bệnh hiểm nghèo với mức hỗ trợ là 405.000 đồng/tháng.