Ngày 9/9 là ngày siêu mua sắm ở Việt Nam. Hiện các trang mua sắm trực tuyến và các cửa hàng đã tung những chương trình khuyến mãi hấp dẫn để người mua thỏa sức lựa chọn.
Giữa mùa Covid-19, khi các cửa hàng kinh doanh khó khăn thì những đợt sale (khuyến mãi) lớn được xem là "phao cứu sinh". Trong khi khách hàng thắt chặt hầu bao và chi tiêu thì họ chắc chắn có thể mở ví nếu như có mức giá hợp lý. Những chiêu giảm giá 30-40% và 50% sẽ kéo khách hàng đến với cửa hàng, nhưng nếu là người tiêu dùng thông minh, bạn có thể dễ dàng nhận ra những cơ sở kinh doanh lợi dụng chiêu giảm giá để khách hàng "sập bẫy".
9/9 là ngày siêu mua sắm ở Việt Nam
"Thổi giá" lên rồi hạ giá xuống
Đây được xem là chiêu kinh điển của nhiều cửa hàng, đặc biệt ở một số cửa hàng bán quần áo, giày dép. Chị Th. (ở Hà Đông, Hà Nội) cho hay, cách đây vài năm chị hí hửng đi mua hàng sale. Khi thấy cửa hàng treo biển giảm giá tới 50%, chị Th. vội chọn và rút ví để mua ngay bởi chị Th. cho rằng mức giá giảm như vậy là quá "hời".
"Lúc đó, tôi mua chiếc váy với giá 400.000 đồng, tôi đinh ninh chắc chắn trước khi giảm nó có giá khoảng 800.000 đồng hoặc 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tôi đưa cho một người bạn xem thì mới vỡ lẽ, bạn tôi xem chiếc váy này trước đó chỉ khoảng 450.000 đồng, sau đó cửa hàng nâng giá thêm rồi lại hạ giá xuống chỉ sau mấy ngày. Từ đó, tôi có thói quen so sánh giá trước ở vài ba cửa hàng trước khi quyết định mua đồ giảm giá. Nếu có sự chênh lệch thì phải đặt dấu hỏi".
Một số nhà kinh doanh sẽ lợi dụng chiêu giảm giá để khách hàng "sập bẫy", rút ví nhiều hơn trong ngày đại mua sắm này
Với cách làm này, các cửa hàng muốn giảm giá vẫn được tiếng là "chiều lòng" thượng đế nhưng giá cả thực tế không hề giảm so với ban đầu. Khách cứ tưởng là mua được món đồ với giá giảm kịch kim trong khi họ đâu có biết "mèo vẫn hoàn mèo".
Cẩn trọng hàng cận date
Người mua hàng thường có tâm lý thích sản phẩm giảm giá. Và khi nhận thấy mức giá giảm 50-60%, họ dường như bị cuốn hút và mê mẩn rồi bỏ quên đi chi tiết quan trọng trên sản phẩm là thời điểm hết hạn sử dụng . Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng cũng không có thói quen xem thời hạn sử dụng trên bao bì. Thông thường họ chỉ chú ý đến nhãn hàng, tên sản phẩm, công ty nào sản xuất, thành phần và cách dùng.
Tuy nhiên, ở thời điểm các mặt hàng giảm giá được tung ra cũng cần cẩn trọng với chiêu "xả hàng" cận date. Người mua được mua với giá rẻ nhưng nếu như sản phẩm hết hạn trong 7-10 ngày thì coi như "phí tiền". Khách có thể chưa dùng đến thì sản phẩm đã hết date, điều đó có nghĩa chỉ còn cách vứt vào sọt rác vì không ai dám dùng thứ đã hết hạn sử dụng.
Để tránh vấp phải tình huống "tiền mất tật mang" này, dù giá có giảm "sâu", chị em vẫn cần chú ý đến thời hạn sử dụng của sản phẩm. Không mua các sản phẩm có nhãn đã bị tẩy xóa ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng. Nếu như sản phẩm sắp hết hạn sử dụng mà giá có rẻ bất ngờ cũng tuyệt đối không mua.
Sale up to...
Những biển quảng cáo giảm giá không thể thiếu được dòng chữ sale up... 50%, 70%, 80% (giảm giá tới... 50%, 70%, 80%) nhưng bạn đừng vội hí hửng. Thực tế nhìn kỹ các tấm bảng này bạn mới nhận ra sale up to mà chữ "to" viết rất nhỏ khiến khách hàng như bị đánh lừa.
Chữ "up to" viết rất bé khiến nhiều người tưởng bở
Khi vào bên trong, bạn mới nhận ra chỉ có một vài sản phẩm được giảm 70%, còn lại chỉ giảm 10-20%. Anh Cường (Hà Nội) cho hay: "Tôi có lần đi săn hàng sale đã mắc lừa kiểu này. Vì dòng chữ "to" viết quá nhỏ nên cứ tưởng vớ được hàng giảm giá cực nhiều. Khi vào mua mới thấy giá giảm 70-80% là sản phẩm có giá 4-5 triệu đồng, cho nên nếu giảm thì mức giá vẫn tiền triệu, với một người đi làm thì tôi cũng chẳng đủ tiền. Trong khi đó, cửa hàng lại ngập sản phẩm giảm giá 20-30%".
Điều đó có nghĩa là up to 60-70% chỉ là cách mà cửa hàng dùng để làm cho người tiêu dùng ghé vào. Và khi lựa đồ họ mới biết giá trị thực của chương trình khuyến mại thế nào.
Sale tặng kèm "núi quà"
Mua hàng mà tặng kèm nồi, chảo, máy lọc nước hay voucher mua sắm, voucher giảm giá là cách để các cửa hàng hút khách đến với các chương trình khuyến mại. Chị T.H (Hà Nội) kể, cách đây 1 năm, gia đình chị mua một bộ bàn ăn mới trị giá 7 triệu đồng. Theo quảng cáo, bộ bàn ghế giảm 20% so với trước đó và khách được tặng thêm một bộ nồi kèm một máy xay sinh tố. Nghe được những lời quảng cáo và tri ân khách hàng "có cánh", vợ chồng chị T.H quyết định mua ngay mà không so sánh giá cả.
Mua hàng được tặng kèm quà nhưng thực chất nhà kinh doanh đã tính đủ giá của các sản phẩm
"Tôi mua vì đúng là lúc đó mới mua chung cư cũng cần nồi mới và máy xay sinh tố, lại thấy mức giá của bộ bàn ghế giảm giá. Tuy nhiên, sau khi mua xong, tôi thấy hàng xóm mua một bộ bàn ghế không khác bao nhiêu chỉ 5,5 triệu đồng. Lúc đó, tôi mới ngớ người, có thể người bán tính kèm cả giá máy xay sinh tố, nồi vào gói bán hàng", chị T.H trải lòng.
Quảng cáo số lượng có hạn
Dòng chữ quảng cáo thường kèm "số lượng có hạn" như một lời kích thích khiến khách hàng nôn nóng mua ngay. Câu slogan này làm khách hàng sợ rằng sản phẩm sẽ hết trong vài ngày, cơ hội săn hàng giảm giá bị bỏ qua. Tuy nhiên, đây thực tế có thể chỉ là chiêu trò làm cho lượng khách đến mua hàng nhiều hơn mà thôi. Bởi không có cửa hàng nào dại tung ra số lượng sản phẩm giảm giá quá ít trừ những sản phẩm được sản xuất với số lượng có hạn.
Việc tung ra số lượng bao nhiêu là quyền của người bán cho nên không có ai chỉ chuẩn bị 5-10 chiếc váy, 4-5 bộ quần áo cho một đợt khuyến mại "khủng". Với chiêu này, khách vội vàng đến, cửa hàng đã hết sản phẩm nhưng lại bị cuốn vào những sản phẩm khác đang còn được sale "mạnh tay". Điều đó vô tình khiến cho bạn phí tiền vào những món hàng không cần hoặc chưa cần đến..