Ngày 20-10, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương này bị thiệt 337,6 tỉ đồng do ảnh hưởng mưa lũ vừa qua gây ra.

Quốc lộ 49 bị hư hỏng do mưa lũ. Ảnh: NGUYỄN DO

Cụ thể, thiệt hại về nhà ở là 120,1 tỉ đồng; thiệt hại về giáo dục là 1 tỉ đồng; thiệt hại về nông, lâm nghiệp là 7,3 tỉ đồng; thiệt hại về thủy lợi là 47,4 tỉ đồng; thiệt hại về giao thông là 159,5 tỉ đồng; thiệt hại về thông tin liên lạc là 0,5 tỉ đồng Thiệt hại về điện lực là 0,8 tỉ đồng.

Trước đó, Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to, trọng tâm trong ngày 14 và ngày 15-10, tổng lượng mưa trung bình từ 500-600m, có nơi cao hơn như Nam Đông 802mm, Phú Lộc 752mm.

Mực nước các sông trên báo động 3 (sông Hương đạt 4,0m thấp hơn đỉnh lũ năm 2020: 0,17m, sông Bồ đạt 5,0m thấp hơn 0,24m) ngập lụt diện rộng. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục diễn biến phức tạp.

Mưa lũ khiến hai người tử vong do bất cẩn, tai nạn đi sau sau lũ và bốn người bị thương. Mưa lũ cũng khiến 1 căn nhà bị sập do sạt lở đất, 2 căn nhà bị ảnh hưởng do đất đá lùa vào nhà.

Do nước sông lên cao và ngập úng bởi cường suất mưa lớn, gây ngập cho nhà cửa, ước tính cao điểm có gần 20.000 nhà ngập, với độ sâu từ 0,3-0,8m tùy từng vùng và khu vực.

Bên cạnh đó, có rất nhiều thiệt hại về nông nghiệp, chăn nuôi tại các địa phương.

Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai trong 9 tháng đầu năm 2022, đợt mưa lũ này đã tiếp tục làm sạt lở hơn 21,7km bờ sông, bờ biển, 38km đê bao nội đồng, 20km kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp cùng các công trình phụ trợ khác.

Tuyến đường sắt đoạn qua thị trấn Lăng Cô bị đất đá vùi lấp và cuốn trôi tà vẹt khoảng 30m, đã thông báo cung đường biết để dừng tàu. Quốc lộ 1 bị ngập 6 điểm và sạt, Quốc lộ 49 có 4 điểm ngập, sạt lở ta luy dương gây tắc đường...