Ngày 28-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (Noru) tại Trụ sở Chính Phủ.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các cơ quan, địa phương liên quan đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó bão. Với tinh thần phòng hơn chống, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu trong ứng phó bão. Ảnh: VGP

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 tại điểm cầu TP Đà Nẵng và điểm cầu 8 tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, mấy ngày nay, chúng ta đã tích cực, chủ động, làm rất tốt công tác phòng, chống cơn bão số 4. Sau khi bão đi qua, chúng ta phải có hội nghị nhanh để đánh giá tình hình, dự báo tình hình, rút kinh nghiệm, khắc phục nhanh chóng hậu quả do bão gây ra, nhất là mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Do đó, công tác bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân phải được quan tâm, ưu tiên hàng đầu; nhanh chóng ổn định đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau bão.

Chủ động "phòng hơn chống" nên đạt được kết quả bước đầu tích cực trong phòng, chống bão số 4. Do vậy, cần đánh giá để có giải pháp tích cực khắc phục. Đây là việc cần thiết để rút ra bài học, sẵn sàng ứng phó những cơn bão tương tự trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại Ban Chỉ huy tiền phương, điểm cầu TP Đà Nẵng

Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tập trung vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão.

Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ, các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn. Trong ngày 27-9, đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn.

Vận động, tuyên truyền người dân di dời 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, bảo đảm an toàn không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ.
 
Tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa…, hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.

Tính đến 10 giờ hôm nay (28-9), với sức tàn phá của cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, song nhờ sự chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản nên thiệt hại bước đầu đến nay đã được giảm thiểu ở mức tối đa.

Cụ thể, không có thiệt hại về người, nhưng bão cũng đã làm 4 người ở Quảng Trị bị thương. Về nhà ở, sập 3 nhà (Quảng Trị 2, Thừa Thiên - Huế 1); hư hỏng, tốc mái 157 nhà (lớn nhất ở Quảng Trị 118 nhà). Tàu thuyền bị chìm 4 (Đà Nẵng 2, Quảng Nam 2). 

Cuộc họp trực tuyến nêu ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai, bão lũ

Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tình hình thiệt hại và những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng chống bão số 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá kết quả đạt được khá khả quan, tích cực của Ban Chỉ đạo tiền phương và 8 địa phương trong công tác ứng phó với bão số 4. Rất may, đến thời điểm hiện tại chưa có thiệt hại về người. Thủ tướng cũng gửi lời chia sẻ của Chính phủ đến gia đình 4 nạn nhân bị thương ở Quảng Trị.

Thủ tướng chỉ đạo hiện các ngành địa phương cần triển khai nhanh chóng đời sống tinh thần vật chất nhân dân, thăm hỏi gia đình thiệt hại trong mưa bão. Tạo điều kiện cho học sinh sớm quay lại trường học, không để bùng lên dịch bệnh sau mưa bão. Trước mắt chủ động sử dụng quỹ phòng chống thiên tai và ngân sách địa phương để xử lý ngay các thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

"Chuẩn bị tinh thần "cần gạo thì có gạo - cần tiền thì cấp tiền", báo cáo lên thì xử lý ngay. Khẩn trương khắc phục sạt lở các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm thông suốt an toàn. Phải khôi phục hệ thống điện, bảo đảm cung ứng điện. Theo dõi sát tình hình sau bão, tuyệt đối không chủ quan lơ là, bảo đảm các phương án. Việc cương quyết quyết liệt nhất quán vận động di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm là yếu tố nhất định để không thiệt hại về người" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp để phòng chống bão lũ một cách kịp thời hiệu quả, xây dựng các kịch bản phương án phù hợp với tình hình, theo tinh thần phương châm "4 tại chỗ". 

"Miền Trung là nơi luôn diễn ra mưa lũ, bão lũ vào tháng 9, 10 11, vì vậy phải luôn cảnh giác, không lơ là chủ quan. Nhưng cũng không lo sợ, không run sợ. Phải bản lĩnh tự tin, tự lực tự cường, có sự đoàn kết thống nhất của nhân dân. Sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau…" – Thủ tướng nhấn mạnh.