Sáng 28/9, ông Nguyễn Hồng Vĩnh (31 tuổi, ngụ xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), lặng lẽ sửa sang lại căn nhà bị bão Noro phá nát đêm qua. “Lần đầu tôi chứng kiến cơn bão có sức tàn phá lớn như vậy. Gió mạnh chỉ trong 15 phút, toàn bộ mái ngói, tôn nhà tôi bị hất văng. Lúa gạo và mấy đồ điện tử trong nhà ướt đẫm”, người đàn ông nhớ lại.
Vào nhà vệ sinh trú ẩn
Trước khi bão đổ bộ, chính quyền địa phương xã Bình Tú, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) liên tục nhắc nhở người dân đến những căn nhà kiên cố trên địa bàn để trú ẩn. Gia đình ông Vĩnh cũng lo lắng nhưng không biết nên đi đâu. Rồi nhìn lại những tài sản còn trong nhà, cả gia đình quyết định bám trụ "tại gia", chờ bão đến.
Sau bữa cơm tối, gia đình 4 người nhà ông Vĩnh đi ngủ sớm như mọi khi vì gió ngoài trời tương đối nhẹ. Gần 2h ngày 28/9, gió bắt đầu rít liên hồi, mái tôn bị bung đinh đập ầm ầm trên nóc nhà. Cả nhà ông kịp thức giấc, không kịp nghĩ gì, vội ôm chiếc tivi tháo chạy vào nhà vệ sinh.
“Tôi cùng ba, mẹ và em gái vừa chạy vào nhà vệ sinh thì mái tôn, mái ngói của căn nhà bị gió hất tung, cuốn bay. Nhớ lại khung cảnh lúc đó tôi còn rùng mình", ông Vĩnh nhớ lại.
Người đàn ông cho biết nhà vệ sinh được đổ bê tông kiên cố nên mọi người ôm tài sản vào đó trú tránh bão, nhưng lúc đó vẫn "tim đập chân run", chỉ lo sợ nhà vệ sinh cũng bị cơn bão quét qua giật sập.
Theo ông Vĩnh, gia đình ông cũng như nhiều hộ khác ở gần biển, đều chịu nhiều thiệt hại. Nhà bị tốc mái, hư hỏng, gia súc gia cầm chết vì chuồng sập... đã gây không ít tổn hại cho những người dân vốn đã có cuộc sống không mấy khá giả.
"Nhưng rồi khi cơn bão qua đi, mọi người vẫn phải chấp nhận, lo sửa lại nhà để sớm ổn định cuộc sống", theo lời ông Vĩnh.
Sống cảnh "màn trời chiếu đất"
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, bà Thái Thị Kim Anh (79 tuổi, trú tại thôn An Long, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, Quảng Nam), bàng hoàng khi nhìn ngôi nhà bị hư hỏng nặng nề sau khi bão quét qua.
Toàn bộ mái nhà của bà Anh bị bão cuốn bay đi nơi khác. Tài sản trong nhà chỉ là mấy bao lúa, gạo cũng bị ướt nhẹp. Tuổi cao sức yếu, bà Anh không biết phải làm thế nào để sửa chữa lại căn nhà vì không có tiền.
“Tôi sống một mình. Trước lúc bão vào, tôi chạy đến nhà hàng xóm để trú nên không bị sao. Sống gần hết đời nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến trận bão lớn như vậy, giờ phải chịu cảnh màn trời chiếu đất”, bà ngậm ngùi.
Đại diện UBND xã Quế Phong (huyện Quế Sơn) cho biết trước khi bão vào, chính quyền địa phương đã đi vận động người dân sống trong các căn nhà tạm bợ đến nơi an toàn nên không xảy ra thương vong. Cả xã có khoảng 5 căn nhà bị tốc mái và nhiều căn khác hư hỏng nhẹ.
Trong khi đó, nhà của ông Ri Kíu (44 tuổi, trú thôn Ga Ri, huyện Tây Giang, Quảng Nam) cũng bị sạt lở, đất cuốn trôi hết nửa căn nhà. Nhiều gia cầm tại hộ này cũng bị đất vùi lấp.
Ông Ri Ah (người thân ông Ri Kíu) cho biết thời điểm bão vào, ông Kíu cùng vợ và con đã đến nhà văn hóa thôn Ga Ri trú nên may mắn không xảy ra thương vong.
Trở lại nhìn căn nhà sau khi bão tan, Ri Kíu thất thần trước khung cảnh hoang tàn, bề bộn khi đất sạt lở tràn hết vào nhà. Một phần căn nhà cũng bị sạt xuống thung lũng.
“Cũng may người không bị sao. Tài sản mất thì mình còn làm lại được. Riêng gia đình tôi cũng bị trôi hết khoảng 5 tấn cá chép, trắm cỏ”, ông Ri Ah nói như một cách tự động viên mình và mọi người vượt qua khó khăn.
Cơ quan khí tượng nhận định trong 12 giờ tới, bão đi theo hướng tây với vận tốc 20-25 km/h, tiến sâu vào đất liền Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Chiều 28/9, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực nam Lào với cường độ mạnh nhất cấp 6, giật cấp 7.
Hình thái này sau đó tiếp tục di chuyển và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.