Người nhà cho biết 6 năm qua em nghiện chơi game online, thường xuyên bỏ ăn, 1-2 ngày mới ăn một bữa, 16 tuổi chỉ nặng 40 kg. Ngoài lúc đi học, thời gian còn lại em đều chơi game, có khi hơn 10 giờ một ngày. Gia đình cắt Internet ở nhà, em tỏ thái độ cáu gắt và tìm cách trốn ra ngoài để chơi.

Bác sĩ thăm khám, nhận định thiếu niên này có tính cách và khả năng giao tiếp chỉ như đứa trẻ 6-7 tuổi. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm, nếu tình trạng không cải thiện sẽ kê thêm thuốc an thần, nặng nữa phải sốc điện.

Theo các bác sĩ Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103, số bệnh nhân nhập viện vì nghiện game online ngày càng tăng. Nhiều trường hợp cấp cứu đã không được phát hiện bệnh kịp thời, bị nghiện quá sâu không dứt ra được dẫn tới suy kiệt, trí tuệ sa sút nghiêm trọng.

Bác sĩ Nguyễn Tất Định cho biết, độ tuổi 12-13 bắt đầu hình thành cảm xúc, trí tuệ..., nghiện game dài ngày sẽ có nguy cơ bị cắt đứt cảm xúc, trí tuệ ngưng trệ. Bác sĩ giải thích, người nghiện game online thường cảm thấy thích thú, dễ chịu mỗi khi chơi do dopamin, một loại hormone điều chỉnh tâm trạng và cảm giác đói, thèm..., liên tục được sản sinh và tăng dần ngưỡng thích ứng. Cùng với đó, morphine nội sinh như endorphin cũng tăng theo tạo sự khoan khoái, dần dần trở nên nghiện. Khi ngừng chơi, hai hormone này tiết ra thấp hơn ngưỡng bình thường khiến người chơi cảm thấy bứt rứt, khó chịu.

Ở người nghiện game, chất dẫn truyền thần kinh serotonin liên quan tới giấc ngủ, trí nhớ và cảm xúc cũng bị giảm nghiêm trọng, giống với tình trạng trầm cảm. Vì vậy người nghiện game thường có các triệu chứng điển hình của trầm cảm và lo âu. Những trường hợp nghiện game nặng thường tách mình ra khỏi đời sống xã hội, căng thẳng với người thân. Có người gây rối trật tự, an ninh, phạm tội và tăng nguy cơ tự sát.

Theo các bác sĩ, để điều trị nghiện game online, ngoài áp dụng liệu pháp tâm lý phải dùng thuốc chống trầm cảm, liệu pháp sốc điện đi kèm với các hoạt động thể chất, vui chơi khác. Trong đời sống, phụ huynh cần quan tâm và theo dõi sát con cái mình, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với máy tính. Nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường về sinh hoạt, hành vi, cảm xúc... cần đưa đến gặp bác sĩ ngay.

Liệu pháp sốc điện là đưa một dòng xung điện cường độ rất nhỏ chạy qua vùng thái dương của bệnh nhân để xóa các hoạt động điện bình thường và bất thường ở não. Sau sốc điện vài phút, các hoạt động điện bình thường của não sẽ hồi phục, các hoạt động bất thường gây ra hoang tưởng, ảo giác, căng trương lực, trầm cảm, hưng cảm... sẽ bị xóa bỏ. Khi ấy các hoạt động tâm lý bình thường của bệnh nhân phục hồi. Trong quá trình sốc điện, bệnh nhân có cơn co giật kiểu động kinh điển hình với các giai đoạn co cứng, co giật và hôn mê ngắn. Sau đó, người bệnh sẽ tỉnh lại và quên hết các sự việc đã xảy ra.