Tổ yến chưng đường phèn là phương pháp chế biến yến sào (tổ chim yến) thông dụng, dễ làm và cũng là phương pháp giữ được hàm lượng dưỡng chất cao nhất của yến sào.

Tác dụng của tổ yến chưng đường phèn đem lại hiệu quả sức khỏe cao - Ảnh minh họa: Internet

Đây là phương pháp được nhiều người áp dụng và thực tế đem lại hiệu quả rất tốt cho sức khỏe. Cùng điểm qua những tác dụng của tổ yến chưng đường phèn:

Tác dụng của tổ yến chưng đường phèn

Bồi bổ và tăng cường sức khoẻ

Với hàm lượng protein đáng kể (chiếm lên đến 45 – 55%), tổ yến chưng đường phèn hỗ trợ hiệu quả trong việc bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe cho người sử dụng, đặc biệt là những đối tượng sau:

  • Người đang bị suy nhược cơ thể, mới ốm dậy
  • Trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng
  • Người cao tuổi, già yếu

Đối với phụ nữ sau sinh, ngoài công dụng phục hồi sức khỏe nhanh chóng, tổ yến chưng đường phèn còn hỗ trợ giảm thiểu trạng thái mệt mỏi sau sinh.

Ngoài ra, aspartic acid (chiếm hàm lượng 4.69%) còn có vai trò cực quan trọng trong việc tạo ra năng lượng cho tế bào hoạt động, loại bỏ các độc tố dư thừa ở tế bào gây hại cho hệ thần kinh, não, và có khả năng khắc phục tình trạng mệt mỏi, căng thẳng.

Nuôi dưỡng da, tóc và móng tay

Hàm lượng protein cao trong tổ yến còn giúp nuôi dưỡng da, tóc và móng tay. Ngoài ra, proline (chiếm hàm lượng 5.27%) là một hợp chất quan trọng trong việc tái tạo mô, hình thành collagen tốt cho da, giúp làn da khỏe mạnh.

Đặc biệt, đối với các chị em phụ nữ sau sinh hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh, món tổ yến chưng đường phèn hỗ trợ làn da thêm sáng đẹp, khỏe mạnh và giảm tốc độ lão hóa hiệu quả.

Tốt cho xương, sụn, khớp

Protein không những giúp cho cơ thể được khỏe mạnh, hoạt động liên tục mà còn tốt cho xương, sụn. Hơn nữa, trong yến sào còn chứa Glucosamine, có tác dụng trong việc điều trị các bệnh về xương khớp, đặc biệt tốt cho việc phục hồi sụn bao khớp khi có tình trạng thoái hóa khớp.

Glucosamine có tác dụng trong việc điều trị các bệnh về xương khớp - Ảnh minh họa: Internet

Giảm căng thẳng thần kinh

Tác dụng của tổ yến chưng đường phèn còn phát huy hiệu quả đối với người phải học tập, làm việc căng thẳng, người đang gặp nhiều áp lực.

Cystein, phenylalamine (chiếm hàm lượng 4.5%) là những axit amin không thể thay thế, có tác dụng trong việc tăng cường trí nhớ, tăng dẫn truyền xung động thần kinh, tăng hấp thu vitamin D từ ánh sáng mặt trời.

Ngăn ngừa xơ cứng động mạch và duy trì huyết áp

Ngoài ra, proline trong tổ yến còn là một hợp chất giúp hỗ trợ ngăn ngừa xơ cứng động mạch và duy trì huyết áp hiệu quả.

Hỗ trợ hồng cầu khỏe mạnh

Một cơ thể không thiếu máu chắc chắn phải cần những tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Tyrosine (chiếm hàm lượng 3.58%) và acid syalic (chiếm hàm lượng 8.6%) trong tổ yến có tác dụng giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng các tế bào hồng cầu bị tổn thương và hỗ trợ phục hồi cơ thể khi bị nhiễm phóng xạ.

Người bị thiếu máu do tổn thương hồng cầu nên sử dụng tổ yến chưng đường phèn, giúp tái tạo và phục hồi hồng cầu hiệu quả.

Chữa ho, viêm phế quản

Tác dụng của tổ yến chưng đường phèn còn được biết đến qua khả năng cải thiện tình trạng bệnh lý cho người đang mắc các chứng ho, viêm phế quản, ho khan.

Tổ yến chưng đường phèn bổ phổi, tiêu đàm, ích khí, dưỡng huyết - Ảnh minh họa: Internet

Với cơ chế bổ phổi, tiêu đàm, ích khí, dưỡng huyết hiệu quả, tổ yến chưng đường phèn không những dễ ăn mà còn mang lại hiệu quả nhanh chóng với người bị ho hoặc bị viêm phế quản.

Cải thiện sinh lý cả đàn ông và phụ nữ

Protein trong tổ yến còn hỗ trợ cải thiện sinh lý đàn ông và cân bằng hormon ở phụ nữ. bên cạnh đó, trong tổ yến còn chứa các thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể như sắt (27.9%), đồng (5.87%), canxi (0.76%), kẽm (1.88%) giúp hỗ trợ miễn dịch và cải thiện hệ tiêu hoá.

Cách làm tổ yến chưng đường phèn đảm bảo sức khỏe

Nguyên liệu

Tổ yến đã sơ chế: Khoảng 5gr/ 1 lần ăn/ 1 người

Đường phèn: Tùy sở thích (khoảng 3 muỗng cà phê/ 5gr yến)

Gừng: 2 lát (tùy sở thích, có thể không sử dụng)

Nước sôi để nguội: 1 chén nhỏ

Một nồi vừa đủ để đựng chén (có thể sử dụng thố)

Cách chế biến tổ yến chưng đường phèn

Bước 1: Tổ yến sau khi mua về nếu là yến thô cần sơ chế sạch lông và tạp chất. Nếu là yến tinh chế cần ngâm nước khoảng 20 phút rồi vớt ra để ráo.

Cho tổ yến đã làm sạch và đường phèn vào một chén ăn cơm hoặc thố nhỏ - Ảnh minh họa: Internet

Bước 2: Cho tổ yến đã làm sạch và đường phèn vào một chén ăn cơm hoặc thố nhỏ, đổ nước vào chén, lượng nước đủ ngập yến nhưng không quá đầy để khi chưng yến nở không bị trào ra ngoài.

Có thể thêm vài lát gừng vào chén để khử mùi tanh và thêm phần thơm ngon cho món tổ yến chưng đường phèn.

Bước 3: Đặt chén yến vào nồi đã chuẩn bị, đổ nước vào nồi cho vừa ngập ¼ thân của chén.

Bước 4: Đậy nắp nồi, cho lửa vừa phải đến khi nước sôi thì nhỏ lửa lại, thời gian chưng thông thường là 20 phút. Tuy nhiên thời gian có thể khác nhau theo lượng yến.

Có thể thêm vài lát gừng vào chén để khử mùi tanh và thêm phần thơm ngon - Ảnh minh họa: Internet

Bước 5: Sau khi kiểm tra thấy yến đạt độ mềm cần thiết thì tắt lửa sau.

Tổ yến chưng đường phèn đạt độ ngon sẽ nở mềm, không quá nhừ, có vị ngọt thanh của đường phèn và thơm mùi gừng.

Những lưu ý khi sử dụng yến sào

Không thể phủ nhận tác dụng của tổ yến chưng đường phèn nhưng nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây lãng phí và khiến cơ thể không thể hấp thu. Do đó, cần lưu ý những điều sau đây để sử dụng yến sào hiệu quả:

  • Nên chưng cách thủy yến sào trước khi chế biến bất kì món ăn nào. Không nên nấu yến sào trực tiếp bởi nhiệt độ cao sẽ làm mất đi các dưỡng chất.
  • Nên ăn yến sào vào lúc đói và nên ăn nóng. Cụ thể, nên ăn lúc còn ấm để cơ thể hấp thụ dưỡng chất tốt hơn và nên sử dụng vào bữa sáng hoặc trước khi đi ngủ. Dùng đều đặn yến sào trước khi ngủ có công dụng ổn định nội tiết tố và duy trì vóc dáng hiệu quả.
  • Người lớn có thể sử dụng yến sào 3 lần/tuần. Với trẻ em, nên giảm bớt lượng cho phù hợp thể trạng.
  • Không nên lạm dụng yến sào thay thế các thực phẩm khác trong khẩu phần ăn hàng ngày, sử dụng tổ yến theo chừng mực hợp lý để phát huy hiệu quả dinh dưỡng.

Đối tượng không nên sử dụng yến sào

Do chứa nhiều chất dinh dưỡng và hàm lượng đa vi chất, trong một số trường hợp cần cân nhắc khi sử dụng yến sào:

Mẹ bầu dưới 3 tháng không nên dùng yến sào

Mẹ bầu dưới 3 tháng không nên dùng yến sào để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Theo đông y, yến sào có vị ngọt tính hàn, dễ bị lạnh bụng. Thai kỳ khi ấy vẫn còn khá yếu, do vậy mẹ bầu được khuyến cáo không nên sử dụng yến trong lúc này.

Trẻ em dưới 7 tháng tuổi

Đây là giai đoạn phát triển chưa hoàn thiện của trẻ, đặc biệt là hệ tiêu hoá vô cùng yếu có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hoá và ảnh hưởng đến dạ dày.

Trẻ em dưới 7 tháng tuổi có hệ tiêu hoá vô cùng yếu, ăn tổ yến dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hoá - Ảnh minh họa: Internet

Riêng đối với các bé trên 7 tháng tuổi, khi sử dụng, các mẹ cần lưu ý cho bé thử từ từ, chút một để đảm bảo không gây dị ứng cho trẻ.

Đặc biệt không nên dùng yến sào trước các bữa ăn vì có thể làm trẻ giảm cảm giác thèm ăn và gây ra tình trạng biếng ăn.

Bệnh nhân bị rối loạn đường huyết, tiểu đường hay viêm tụy

Mặc dù yến sào có chứa lượng đường tự nhiên tốt cho sức khoẻ nhưng đối với những trường hợp này thì tuyệt đối không nên sử dụng. Các vi chất không ổn định trong yến sào có thể gây rối loạn khiến bệnh tình thêm nặng.

Người bị cảm mạo, nhức đầu, viêm nhiễm

Do yến sào có tính bình, người bị cảm mạo, nhức đầu, viêm nhiễm đã có thể trạng yếu sẵn, khi gặp tính bình, không những không thúc đẩy được sức đề kháng mà còn khiến cơ thể yếu hơn. Từ đó vi khuẩn càng dễ xâm nhập.

Người thường bị đầy bụng, tiêu chảy

Yến sào có tính hàn, dễ bị lạnh bụng, hơn nữa đa vi chất trong tổ yến có thể khiến hệ tiêu hóa dễ gặp các vấn đề rối loạn.

Có thể thấy, tác dụng của yến sào chưng đường phèn đem lại nhiều hiệu quả đối với sức khỏe con người. Hãy sử dụng tổ yến một cách hợp lý để phát huy hiệu quả dinh dưỡng.