Tại sao trẻ lại thích ngậm mút tay?

Theo nhận định từ các chuyên gia của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh sẽ tự động mút tay khi đói và cần được bú sữa. Bên cạnh đó, việc mút tay sẽ làm trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, đây chính là sự tiếp nối phản xạ tự nhiên của con trẻ ngay khi còn trong bụng mẹ.

Mút tay là phản xạ tự nhiên của trẻ nhỏ khi đói. Ảnh internet.

Kinh nghiệm cho trẻ biết các vật cho vào miệng (nhất là vật mềm và ấm) sẽ đi kèm với thức ăn và sự thoải mái dễ chịu. Do đó, khi cảm thấy đói, mệt mỏi hay khó chịu, trẻ sẽ đút ngón tay vào miệng. Lâu dần mút tay sẽ trở thành thói quen ngay cả khi trẻ đã lớn và thậm chí không có cảm giác đói. 

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, lúc trẻ ngậm mút tay sẽ kích thích não sản xuất ra chất endophin (một chất giảm đau nội sinh), giúp trẻ cảm thấy được thư giãn, thích thú, tương tự như khi trẻ được ăn món yêu thích. Hầu hết trẻ sẽ bỏ được tật mút tay đến khi được 1 – 2 tuổi, sau quá trình nhắc nhở từ phía cha mẹ.

Mút tay – thói quen cần tránh ở trẻ

Mẹ Ngọc Anh (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con nhà chị đến nay đã được 18 tháng tuổi và thường xuyên mút tay. Hiện tại các ngón tay của con đã chai sần nhưng chị có nói bao nhiêu, con vẫn không bỏ được tật xấu ấy.

Cùng nỗi lo với mẹ Ngọc Anh là chị Lê Xuân (Hải Phòng), chị chia sẻ: "Bé nhà mình chỉ mút tay lúc ngủ thôi, kiểu như con tự ru mình vào giấc ngủ ấy. Mỗi khi thức dậy, bé lại hoàn toàn không nhớ được tật mút tay lúc ngủ, nên mình cũng không biết can thiệp làm sao".

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), việc ngậm mút tay ở trẻ nhỏ là thói quen xấu, cha mẹ cần kiên trì để giúp trẻ loại bỏ được tật xấu đó. Ngậm mút tay sẽ làm trẻ dễ gặp phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh tay chân miệng, thủy đậu, tăng nguy cơ nhiễm giun sán và gặp các bệnh về đường tiêu hóa.

Trẻ ngậm ngón tay quá sâu sẽ dễ bị nôn, trớ, nhất là sau khi bú hoặc ăn, thậm chí gây ra một số tổn thương ở đầu ngón tay như nứt, lở loét, tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập gây viêm da mủ.

Nghiêm trọng hơn, ở những trẻ đang trong thời gian thay răng vĩnh viễn, tật ngậm mút tay có thể dẫn đến một số tổn thương ở răng, hàm, gây ra nhiều biến dạng như hàm bị hô, lệch khớp cắn, khó phát âm.

Một số biến dạng hàm và răng hay gặp ở trẻ thường xuyên mút tay. Ảnh internet.

Bác sĩ Khanh chia sẻ thêm, để nhắc nhở trẻ thôi ngậm mút tay, cha mẹ bé có thể dán miếng băng keo không thấm nước hoặc quấn vải vào ngón tay trẻ thường mút hay cho trẻ đeo bao tay. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dùng chất có vị đắng nhưng an toàn như mướp đắng, dầu gió,…để giúp trẻ sớm bỏ tật mút tay.

Cha mẹ nên lấy tay trẻ ra và cho cầm vật khác to hơn (dùng hành vi thay đổi hành vi). Với trẻ trên 10 tháng tuổi, cha mẹ cần nói "không" và giải thích cho trẻ biết tác tác hại và ảnh hưởng của việc mút tay đến sức khỏe của con trẻ như thế nào. Cha mẹ có thể cho trẻ xem một số hình ảnh minh họa để trẻ hiểu rõ hơn vấn đề.