Tài xế tông CSGT ở Long An có thể phải đối diện bao nhiêu năm tù?
Vừa qua, vụ việc tài xế lái xe bán tải lưu thông với tốc độ nhanh hướng từ Long An về TP.HCM đã tông trực diện vào một thiếu tá CSGT cùng hai người dân bị tử vong. Vụ việc đang được nhiều người dân quan tâm.
Lãnh đạo Công an tỉnh Long An cho biết liên quan đến vụ xe nghi chở hàng cấm này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người.
Theo đó, nhiều người dân cũng đặt câu hỏi: “Tài xế gây tai nạn chết người sẽ phải đối diện với bao nhiêu năm tù?”
Trao đổi với PLO, luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết theo thông tin cơ quan công an đã tạm giữ hai đối tượng ngồi trên ô tô bán tải nghi chở ma tuý, tông vào tổ công tác khiến 1 CSGT và 2 người dân tử vong. “Qua clip cho thấy, trên đường có nhiều người tham gia giao thông, CSGT ra hiệu lệnh dừng xe nhưng tài xế vẫn điều khiển ô tô lao vào đám đông, hậu quả 3 người tử vong. Đây là hành vi rất nguy hiểm, có dấu hiệu của tội giết người”- luật sư Mạch nhấn mạnh.
Theo luật sư, để xác định yếu tố lỗi của tài xế cơ quan điều tra sẽ làm rõ khoảng cách giữa CSGT với phương tiện này khi ra hiệu lệnh và khả năng quan sát của người tài xế này như thế nào, xác định phản ứng của tài xế khi thấy hiệu lệnh của CSGT:
Trường hợp 1: Nếu kết quả điều tra cho thấy tài xế phát hiện CSGT đang có hiệu lệnh dừng xe và có khả năng dừng xe nhưng cố tình không dừng xe, thì hành vi này được xác định là có lỗi không lựa chọn tình huống chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện. Tài xế cố tình đâm xe vào lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ dẫn đến hậu quả làm chết người thì đây là hành vi giết người.
Đồng thời, việc sử dụng phương tiện có thể làm chết nhiều người dẫn đến hậu quả 3 người tử vong là tình tiết định khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng như hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người đang thi hành công vụ, giết từ 02 người trở lên (quy định tại điểm a, điểm d, điểm n tại khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự), tài xế có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp 2: Nếu tài xế chạy quá tốc độ nên không kịp xử lý tình huống khi phát hiện CSGT dừng xe thì có thể không bị xử lý về Tội giết người, nhưng sẽ xử lý về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm a khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (với hậu quả 3 người tử vong), mức hình phạt có thể lên tới 15 năm tù.
Cạnh đó, kết quả xác minh cho thấy trên xe có tàng trữ trái phép chất ma túy, đối tượng này đã thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn (5kg chất tinh thể rắn nghi là ma túy dạng đá và 4 bánh nghi là Heroin). Như vậy, tài xế sẽ bị xử lý thêm về tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo Điều 250 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
“Mặt khác, đối tượng này khai nhận có sử dụng ma túy trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Theo Điều 13 BLHS, nếu người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng chất kích thích mạnh thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”- luật sư Mạch nói.
Cũng theo vị luật sư, trong vụ việc này, ngoài việc bị xử lý với khung hình phạt cao nhất về cả hai tội danh là vận chuyển trái phép chất ma túy và giết người, tài xế còn phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...