Vào ngày này, người dân có nhiều hoạt động chẳng hạn như đến chùa cầu duyên, làm lễ cầu nguyện, chế biến các món ăn, trưng bày các vật dụng nghệ thuật để cầu mong tốt lành. Ở mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa, ngày Thất Tịch lại có sự khác biệt về nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục.

Lễ Thất Tịch 2024 là ngày nào trong năm?

Trở nên quen thuộc vào những năm gần đây, đặc biệt, nhận nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ, các cặp vợ chồng và những cặp đôi yêu nhau, ngày lễ này thường được nhắc đến khi bước vào những ngày đầu của tháng 7 âm lịch cận kề.

Ngày lễ Thất Tịch 2024. Ảnh: Internet

Lễ Thất tịch 2024 được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, gắn liền với câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ hay vợ chồng ông bà Ngâu với nhiều dị bản. Ngày này được người phương Tây gọi là ngày Valentine Đông Á (the East Asian Valentine’s Day). 

Như vậy, theo lịch vạn niên, ngày 7 tháng 7 năm 2024 âm lịch là Ngày Lễ Thất tịch 2024 sẽ rơi vào Thứ Bảy nhằm ngày 10/8/2024 Dương lịch.

Thời gian diễn ra sự kiện trời thường hay mưa rả rích tương truyền trùng khớp với câu chuyện tình đẫm nước mắt của Ngưu lang Chức nữ khi hai người được tái ngộ nồng thắm vào ngày này.

Lễ Thất Tịch sẽ diễn ra như thế nào?

Theo tiếng Hán, thất là "bẩy", tịch là "chiều tối". Vậy thất tịch có nghĩa là "chiều tối ngày mùng 7 âm lịch". Trung Quốc coi ngày Thất tịch là ngày lễ quan trọng, còn có tên gọi là lễ Khất Xảo. Vào đêm mồng 7 tháng 7 m lịch, những người phụ nữ cầu nguyện để có được đôi bàn tay khéo léo. Trong ngày này, các cô gái trẻ trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo để cầu mong lấy được ông chồng tốt.

Ở Việt Nam các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt. Các cặp vợ chồng thì cầu hôn nhân bền chặt, mãi mãi bên nhau, không phải chia lìa như Ngưu lang Chức nữ. Vào ngày này, người Nhật sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu mong may mắn, vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng. Người trẻ thì cầu nguyện trong ngày này, mong sớm tìm được một nửa như ý.

Ngày lễ Thất Tịch cầu duyên. Ảnh: Internet

Tại Hàn Quốc, lễ Thất tịch còn được gọi là lễ Chilseok, được biết đến như là lễ hội để thưởng thức đồ ăn làm từ lúa mì. Vào ngày này, người Hàn Quốc cũng sẽ tắm để cầu mong sức khỏe tốt.

Theo quan điểm của nhiều nước khác nhau, vào ngày lễ này, việc ăn đậu đỏ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể. Đồng thời đậu đỏ còn được cho rằng là sẽ mang lại nhiều hạnh phúc, sung túc và đồng thời cùng là một biểu tượng của sự may mắn.

Nhiều người trẻ tin rằng khi đang lận đận trong chuyện tình duyên và thả thính mãi mà không có người yêu thì nên ăn đậu đỏ vào ngày Thất Tịch là lập tức sẽ gặp may trong chuyện yêu đương.

Sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ

Trong câu chuyện của người Việt, chàng trai nghèo tình cờ gặp Chức nữ trong rừng khi nàng cùng các tiên nữ khác xuống hồ tắm. Bị chàng trộm mất đôi cánh tiên, Chức nữ không thể về trời và ở lại làm vợ chàng. Khi đã có con với nhau, một hôm khi chồng đi vắng, nàng phát hiện ra đôi cánh tiên của mình giấu trong thúng thóc, bèn đưa con chiếc lược dặn trao cho cha, rồi về trời mất.

Người chồng mang con lặn lội trải qua bao nhiêu khó khăn mới lên được cung trời tìm vợ, nhưng mối nhân duyên của họ không được nhà trời chấp nhận nên họ chỉ có thể lén lút gặp nhau. Luật trời cấm người trần ở lại thượng giới nên sau vài hôm, Chức nữ đành tiễn chồng con ra về. Cùng với cơm ăn đường, nàng đưa cho 2 cha con chiếc trống, dặn khi xuống đến nơi thì đánh để trên này biết mà cắt dây.

Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ - Tứ đại dân gian truyền thuyết. Ảnh: Internet

Dọc đường, con đói, người chồng mang cơm ra cho con ăn. Đứa trẻ làm cơm vãi lên mặt trống, đàn quạ sà vào mổ. Chức nữ nghe tiếng trống, cắt dây khiến hai cha con rơi xuống biển. Ngọc hoàng biết chuyện thương xót, cho đưa cả hai cha con lên trời, giao cho chàng trai công việc chăn trâu (vì thế chàng được gọi là Ngưu lang) ở bên kia sông Ngân. Ở bên này sông, Chức nữ ngày ngày dệt vải mà đau lòng nhớ chồng con.

Mỗi năm họ chỉ được phép gặp nhau một ngày vào 7/7, đàn quạ phải đội đá bắc cầu cho họ. Ngày hội ngộ ngắn ngủi để rồi khi tiễn biệt và phải rời xa nhau, cả hai đều khóc và nước mắt của họ đã rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa và được đặt tên là mưa ngâu.

Lý do người trẻ ăn chè đậu đỏ trong ngày Thất tịch

Ảnh minh họa: Internet

Vào ngày này, ngoài việc trời thường có mưa ngâu, dân gian còn lưu truyền thói quen ăn chè đậu đỏ. Nhiều quốc gia quan niệm, đậu đỏ là loại thực phẩm mang lại nhiều may mắn bởi màu đỏ tượng trưng cho sự tốt lành, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc.

Ngoài ra, theo truyền thuyết, nếu người đang độc thân ăn đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch sẽ nhanh chóng tìm được ý trung nhân. Ngược lại, những người đã có đôi ăn đậu đỏ vào ngày này, tình yêu sẽ bền chặt, bên nhau cả đời.

Thế nên, vào ngày này, món chè đậu đỏ đặc biệt được người đang cô đơn, độc thân, thậm chí cả những cặp tình nhân lựa chọn làm món ăn ưa thích.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ không còn quá tin vào truyền thuyết ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch sẽ giúp “thoát ế”. Tuy nhiên, giới trẻ vẫn hưởng ứng thói quen ăn chè đậu đỏ vào ngày này như một cách lưu truyền nét đẹp văn hóa.

Vì thế, cứ gần đến ngày 7/7 Âm lịch, thanh niên độc thân thường rủ nhau ăn chè đậu đỏ hoặc chia sẻ công thức chế biến món ăn từ loại đậu có màu đỏ đậm này.