Gừng là loại gia vị phổ biến trong mâm cơm người Việt. Cho gừng vào món ăn vừa giúp tăng thêm hương vị, vừa có thể khử bớt mùi tanh của thịt, cá… Không những vậy, gừng còn có giá trị dinh dưỡng và y học rất lớn.

Đáng chú ý, buổi sáng là thời điểm tốt nhất trong ngày để ăn gừng. Duy trì thói quen này, bạn sẽ nhận lại hàng loạt lợi ích cho sức khỏe.

Giúp nhanh chóng tỉnh táo

Buổi sáng thức dậy cũng là lúc các cơ quan và mô trong cơ thể dần dần thức tỉnh, đây là thời điểm tốt nhất để ăn gừng.

Theo các chuyên gia, sau một đêm ngủ, quá trình trao đổi chất của não bộ chưa hồi phục hoàn toàn sẽ khiến cơ thể mệt mỏi. Lúc này, ăn một miếng gừng có thể kích thích cơ thể và não bộ, giúp bạn nhanh chóng tỉnh táo, sảng khoái tinh thần. Hoạt chất trong gừng còn giúp nâng cao hiệu quả làm việc trong cả một ngày.

Ngăn ngừa cảm lạnh

Thời tiết chuyển dần từ thu sang đông, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, cơ thể không kịp thích nghi sẽ dẫn đến cảm lạnh. Vì vậy, bạn có thể ăn một miếng gừng sau khi thức dậy vào buổi sáng để giải tỏa và làm ấm cơ thể.

Gừng tính cay, ấm nên giúp cơ thể ấm lên. Với phụ nữ có tử cung lạnh, uống một tách trà gừng cũng có tác dụng làm ấm tử cung.

Cải thiện tiêu hóa

Không chỉ loại bỏ chứng trào ngược a xít và giảm viêm ruột, gừng cũng có thể xoa dịu chứng buồn nôn. Một trong các lý do là gừng đóng vai trò như một loại kháng sinh tự nhiên có thể loại bỏ những vi khuẩn có hại gây khó chịu cho dạ dày.

Gừng cũng tốt cho việc kích thích nước bọt, là một phần không thể thiếu trong quá trình tiêu hóa. Cho dù bạn bị đau bụng, đang mang thai và ốm nghén, hay đơn giản là ăn thứ gì đó không phù hợp, gừng có thể là một cứu cánh thực sự, theo Health & Human Research.

Bảo vệ gan

Ăn một miếng gừng khi bụng đói sau khi thức dậy vào buổi sáng cũng có tác dụng bảo vệ gan. Những chất có trong gừng tươi giúp duy trì hoạt động bình thường của tế bào gan và đẩy nhanh quá trình thải các chất độc hại trong cơ thể.

Tăng cường trao đổi chất

Những người phải làm việc ở trong tình trạng áp lực cao trong thời gian dài, thường xuyên bận rộn với công việc, làm việc quá giờ và thức khuya dễ dẫn đến rối loạn nội tiết, rối loạn đồng hồ sinh học.

Để giải quyết vấn đề này, ăn vài lát gừng vào buổi sáng có thể cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường trao đổi chất, giảm mệt mỏi về thể chất, cải thiện tình trạng mất ngủ, giúp bạn dễ ngủ hơn vào ban đêm.

Giúp khử mùi hôi miệng

Ăn một lát gừng còn giúp khử mùi "hơi thở buổi sáng" một cách hiệu quả. Ngoài ra, sức mạnh kháng khuẩn và các hoạt chất của gừng như gingerols sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh nha chu trong miệng.

Giảm rủi ro ung thư

Gừng đang được nghiên cứu rộng rãi về tác dụng của nó đối với các tế bào ung thư. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng gừng tiêu diệt các tế bào ung thư buồng trứng nhanh chóng và an toàn hơn so với các loại thuốc hóa trị. Đó là tin tức đáng chú ý, bởi hóa trị có xu hướng gây ra nhiều mối lo ngại về sức khỏe.

Gừng cũng đã được phát hiện có tác dụng ngăn ngừa viêm đại tràng và ruột, vốn là một tác nhân gây ung thư cho các bộ phận cơ thể. Tuy nhiên cần có thêm các nghiên cứu để chứng minh tác dụng ngăn ngừa ung thư của gừng.

Giảm và tránh nhức đầu

Các đặc tính kháng viêm của gừng cũng hữu ích trong việc điều trị đau đầu. Nhiều loại thuốc đau đầu không kê đơn trên thực tế chỉ đơn giản là thuốc kháng viêm chứ không phải là thuốc giảm đau thực tế.

Gừng là một công cụ tự nhiên để đạt được cùng một mục đích, nhưng không có tác dụng phụ do các chất hóa học. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy ăn gừng mỗi ngày có thể giúp bạn giảm các cơn đau đầu, thậm chí là chứng đau nửa đầu.