Bỏng giác mạc vì dụi mắt

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) thường xuyên tiếp nhận các trường hợp vị viêm kết mạc mắt, bỏng giác mạc do thói quen dụi nhất là khi có dị vật bay vào mắt.

Mới đây trường hợp của N.L.C (16 tuổi, Hải Dương) được ba mẹ đưa lên cấp cứu ở bệnh viện vì mắt em sưng to không mở ra được. Dù ở nhà đã được nhỏ thuốc, xông mắt nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn.

Thói quen dụi mắt làm hại mắt - Ảnh minh họa: Internet

Khi kiểm tra mắt cho cháu bé, các bác sĩ phát hiện thị lực của cháu suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn 3/10 ở mắt bị tổn thương. Kèm theo giác mạc bị bỏng nặng.

Theo lời của cháu, C. buổi chiều tối cháu đi học về bằng xe đạp điện và bị con côn trùng gì bay vào mắt. Lúc đó, mắt cháu chỉ cộm và theo thói quen cháu dừng xe dụi mắt. Chỉ 1 giây sau, mắt bỏng ra không thể mở ra được kèm theo bỏng rát cả niêm mạc hai bên mí mắt.

Về nhà, cháu được mẹ nhỏ nước muối sinh lý kèm theo nhỏ thuốc trị côn trùng nhưng vẫn không đỡ. Sau hai ngày mắt không có dấu hiệu cải thiện nên gia đình đưa cháu bé đi khám. Kết quả là cháu bị bỏng giác mạc do dịch của côn trùng tiết ra xâm nhập vào mắt.

Còn trường hợp của chị Bùi Thị H. (32 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vào viện vì viêm áp xe bờ mi. Chị H. cho biết từ mấy ngày trước, mắt chị ngứa điên đảo. Ngứa khó chịu, chị nhỏ thuốc mắt nhưng không đỡ nên cứ lấy tay dụi mắt.

Mỗi lần dụi mắt đỡ được vài phút nhưng mắt xuất hiện cảm giác cộm cộm. Càng cộm chị càng dụi sau 1 ngày mắt sưng và đến 3 ngày sau mắt kèm theo mủ. Chị H. tưởng bị chắp nên mua thuốc tra rồi chữa mẹo đều không đỡ.

Khi vào viện, bác sĩ cho biết đó là áp xe do nhiễm trùng với các ổ mủ tạo thành quanh mắt. Bác sĩ đã trích dẫn lưu mủ ra ngoài đồng thời vệ sinh mắt cho chị H. 

Thói quen dụi mắt của chị chính là điều kiện đưa vi trùng, vi khuẩn vào mắt gây viêm nhiễm và tạo thành những ổ áp xe quanh mắt.

Làm gì khi dị vật bay vào mắt

Theo bác sĩ Hoàng Cương, bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), mùa hè là thời điểm gia tăng các bệnh lý về mắt, trong đó có viêm kết mạc. Thời tiết mùa hè nóng, mồ hôi, bụi trong môi trường, côn trùng, phấn hoa chính là tác nhân gây nên các bệnh lý về mắt.

Bác sĩ Cương cho biết nhiều trường hợp bị côn trùng bay vào mắt như cháu C. rồi dụi mắt dẫn đến bỏng giác mạc do dịch từ côn trùng tiết ra. Nếu gặp phải côn trùng là kiến ba khoang thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

Trong khi đó, các bệnh lý mắt mùa hè do vi khuẩn, vi rút cũng tăng lên đáng kể. Không chỉ đau mắt đỏ mà những tác nhân như từ môi trường khác cũng ảnh hưởng nặng nề tới mắt. 

Người bệnh thường có cảm giác ngứa, khô mắt, cộm ở mắt và thói quen dụi dụi khiến mắt bị tổn thương. Không những thế, đa số thói quen khi có dị vật bay vào mắt bệnh nhân càng dụi mạnh. Bác sĩ Cường cho rằng nếu dụi mắt khiến có dị vật cọ vào giác mạc gây rách, bỏng giác mạc.

Bác sĩ Hoàng Cương khám cho bệnh nhân - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp dị vật là côn trùng nát và mắc trong mắt càng khiến chúng tiết nhiều độc tố hơn, thậm chí lông của côn trùng có thể xuyên sâu rất khó lấy ra và gây viêm nhiễm giác mạc, suy giảm thị lực.

Không riêng gì côn trùng mà hạt bụi bay vào mắt cũng nguy hiểm cho mắt. Do đó, khi có dị vật bay vào mắt tuyệt đối không dụi mắt, không nhờ người khác thổi bay dị vật mà nên lấy nước sạch rửa mắt, xối nước muối sinh lý để dị vật ra ngoài.

Còn với các bệnh lý viêm kết mạc do môi trường, phấn hoa không rầm rộ như dị vật nhưng cũng không được dụi và không tự ý mua thuốc điều trị.

Việc tự ý mua thuốc điều trị thuốc có chứa các thành phần hại cho mắt như corticoid cần được giám sát bởi bác sĩ nhãn khoa, tuân thủ sử dụng chặt chẽ nếu không sẽ gây glocom, đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp.

Bác sĩ Cương cho biết so với các thuốc khác thuốc mắt các phải chặt chẽ tuân thủ hơn. Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo nên đeo kính bảo vệ mắt. Nếu khu vực mình sinh sống có nhiều côn trùng như kiến ba khoang, muỗi, bướm cần bảo vệ mắt và tuân thủ sơ cứu dị vật không dụi mắt.