Chị Nguyễn Thị Hoa (Nam Định), có con thi lớp 10 năm nay bày tỏ: "Thật sự rất vui khi nghe tin này. Mình nghĩ rằng giáo dục cần sự đồng bộ, không thể quá ưu ái cho một bộ môn. Mình thấy nhiều năm nay, chứng chỉ IELTS đang bị lạm dụng quá mức, trong khi nhiều môn học khác bị xem nhẹ. Ở lớp con mình, có một bạn thi tiếng Anh được 9, nhưng Toán, Văn thì chỉ 3, 4 điểm".
Còn anh Minh Kiên, một phụ huynh ở Hà Nội cũng chia sẻ: "Mình không hiểu sao trước đó nhiều tỉnh lại đưa ra phương án tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS. Có lẽ họ nghĩ rằng việc này sẽ thúc đẩy học sinh học ngoại ngữ.
Mình chưa rõ hiệu quả như nào nhưng hậu quả thì xung quanh mình có rất nhiều bạn bè chạy đua cho con học IELTS, trẻ nhỏ rất áp lực, mà chi phí học thì cực đắt đỏ. Ví dụ như nhà mình, điều kiện kinh tế bình thường thì thật sự không có tiền để đua theo. Nếu như vậy trong các kỳ thi mà IELTS được ưu ái thì những trường hợp khó khăn như gia đình mình sẽ rất thiệt thòi. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 không phải kỳ thi Học sinh giỏi tiếng Anh, việc bỏ quy định tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS là hoàn toàn chính xác".
Không chỉ phụ huynh, mà các giáo viên cũng rất ủng hộ quyết định tối 23/2 của Bộ GD&ĐT. Cô Đ.Th, một giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội cũng cho rằng, quyết định của Bộ là rất hợp lý. Theo cô Đ.Th, việc lạm dụng chứng chỉ IELTS trong thời gian qua, đã gây nên "thời kỳ cuồng loạn IELTS" khi người người, nhà nhà đua nhau cho con luyện IELTS như "luyện gà". Thậm chí nhiều em học sinh tiểu học cũng đã có chứng chỉ này.
IELTS là một chứng chỉ tiếng Anh học thuật được sử dụng như 1 yêu cầu ngôn ngữ đầu vào phục vụ mục đích nghiên cứu và hội nhập học thuật. Việc lạm dụng, dùng sai mục đích chứng chỉ này không chỉ khiến trẻ bị áp lực học tập, cha mẹ chịu áp lực tài chính vì chi phí luyện thi đắt đỏ, mà còn gây mất cân bằng giáo dục.
Một thầy giáo tiếng Anh nổi tiếng cũng chỉ ra tình trạng: Nhiều bạn trẻ thi nhau lao vào dạy IELTS. Bạn nào cũng cố đi thi 8.0 IELTS trở lên để đi dạy IELTS kiếm tiền. Theo thầy giáo này, để thực sự trở thành một người cô người thầy, các bạn trẻ phải bỏ thời gian ăn học đàng hoàng, chứ không phải chỉ cố luyện IELTS. Rất nông cạn...
Trước đó, trong thông báo tuyển sinh năm học 2024-2025, một số tỉnh như Tuyên Quang: Công bố tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS 5.0 trở lên. Riêng thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên Anh của Trường THPT chuyên, điều kiện tuyển thẳng là IELTS đạt 7.0 trở lên. Thí sinh đạt mức điểm 6.0- 6.5 sẽ chỉ được cộng từ 1-2 điểm. Địa phương này tổ chức 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để tuyển sinh lớp 10.
Lào Cai: Miễn thi và tính 10 điểm môn tiếng Anh vào lớp 10 công lập cho thí sinh có IELTS từ 4.0 trở lên. Nếu đăng ký vào lớp chuyên và đạt IELTS 5.5-6.5, thí sinh được quy đổi điểm chứng chỉ sang điểm môn chuyên theo công thức: Điểm IELTS * 10/7. Nếu đạt từ 7.0 IELTS, các em được tính 10 điểm chuyên.
Quảng Trị: Nếu đạt từ 4.0 IELTS trở lên, thí sinh được quy đổi thành 9 điểm môn này trong kỳ thi vào lớp 10 công lập, áp dụng cả với trường chuyên và không chuyên. Ngưỡng điểm quy đổi với 4.5 và 5.0 IELTS là 9,5 và 10 điểm. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn chấp nhận nhiều chứng chỉ khác như TOEFL iNT, TOEIC, VSTEP, Aptis Esol...
Kể từ năm 2021, Nghệ An là địa phương tiên phong áp dụng chính sách tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10. Năm ngoái, tỉnh này tiếp tục tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu và các trường THPT hàng đầu. Năm 2023, Phú Thọ cũng áp dụng tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 6.5 IELTS trở lên vào các trường công lập.
Được biết, trong công văn tối 23/2, Bộ GD&ĐT nêu rõ: "Với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên thì phải điều chỉnh và thông báo công khai". Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh lớp 10 tại một số địa phương.