Tự tử vì trầm cảm

 Sulli tên thật là Choi Jin Ri, sinh năm 1994 tại Busan, Hàn Quốc vừa qua đời sau khi treo cổ tự vẫn tại nhà riêng. Cái chết của Sulli thêm một lần nữa cảnh báo về căn bệnh trầm cảm của giới trẻ Hàn Quốc nói chung và giới Kbiz nói riêng.

Khi Sulli qua đời, người ta bắt đầu lục lại đời sống của cô. Tham gia làng giải trí từ rất sớm, Sulli từ nhỏ được mẹ gửi đi học đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, sống xa gia đình. Bố mẹ cô ly hôn từ khi cô còn nhỏ.

Năm 2018, trong một cuộc trò chuyện trên truyền hình, Sulli thừa nhận trong thâm tâm cô có nhiều lúc sợ hãi, hoang mang. Cô cảm thấy cô đơn, bị bỏ quên giữa thế giới này: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã trải qua những phút hoảng hốt như thế, có những người đã rời bỏ tôi đi, có những người làm tôi tổn thương. Không ai lắng nghe tôi, không ai biết tôi đã khó khăn thế nào".

Những chia sẻ của Sulli và cái chết của cô được cho là do thời gian dài bị trầm cảm. Hiện Sulli đã được đưa về bệnh viện và gia đình đang chuẩn bị làm tang lễ cho cô.

Bệnh trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm và ngày càng gia tăng tác động nặng nề tới cuộc sống của người bệnh. Nhiều năm gần đây, tỷ lệ bệnh trầm cảm tăng lên đáng kể.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, bệnh nhân tới khám tăng gấp 4,5 lần trước đây và đa số là bệnh nhân bị trầm cảm. Các bác sĩ cho biết trầm cảm được xem là căn bệnh tâm thần ở xã hội hiện đại, phụ nữ mắc bệnh này nhiều hơn nam giới.

Nghi ngờ Sulli tự vẫn vì trầm cảm -  Ảnh minh họa: Internet

Áp lực công việc, cuộc sống khiến nhiều người dễ bị ức chế tinh thần, rối loạn cảm xúc dẫn đến trầm cảm. Mức độ biểu hiện của bệnh phụ thuộc vào khả năng chịu áp lực của mỗi người.

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, số người mắc bệnh trầm cảm chiếm khoảng 15% dân số, nhưng số người đến khám bệnh ước tính là rất thấp, hoặc bản thân không biết bệnh để đi khám.

Bệnh đau đớn hơn cả ung thư

Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai), số bạn trẻ tới viện vì trầm cảm ngày càng có xu hướng gia tăng.

Điều đáng báo động nhất là có đến 80% bệnh nhân trầm cảm không được điều trị đúng chuyên khoa bởi từ các dấu hiệu, họ thường đến bác sĩ nội, bác sĩ đa khoa để khám. Khi khám bác sĩ đa khoa không ra bệnh họ mới tìm tới bác sĩ chuyên khoa.

Ví dụ như trường hợp của chị Đỗ Thúy L. 30 tuổi, kế toán một công ty lớn. Thời gian gần đây chị L. thường xuyên mất ngủ, cảm giác hồi hộp và lo lắng đôi khi đau yếu nhưng không rõ đau chỗ nào. Cảm giác mệt mỏi khiến chị L. không làm được việc gì.

Trầm cảm căn bệnh của xã hội hiện đại - Ảnh minh họa: Internet

Chị L. đi đến các bệnh viện đa khoa khám, chiếu chụp các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng đều bình thường, không có gì bất thường.

Khi được người quen giới thiệu đi khám sức khỏe tâm thần, chị L. còn ngại vì cho rằng mình có bị tâm thần đâu mà đi khám tâm thần. Chỉ đến khi bác sĩ test tâm lý với các rối loạn tâm lý cộng với tính cách cầu toàn, chị L. rất dễ rơi vào trầm cảm.

Không riêng gì chị L., trầm cảm ở phụ nữ ngày càng báo động. Đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Đã từng chứng kiến nhiều bà mẹ trẻ muốn giết con, muốn ôm con tìm đến cái chết, PGS Tô Thanh Phương, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, chia sẻ bệnh trầm cảm còn đau đớn hơn cả ung thư khiến người bệnh lúc nào cũng mong tìm tới cái chết.

Họ không muốn sống và đa số bệnh nhân trầm cảm từng nhiều lần nghĩ về cái chết của mình nên tìm cách tự tử hoặc là gây hại cho chính bản thân mình. Trầm cảm là căn bệnh của xã hội hiện đại và đã đến lúc cần quan tâm căn bệnh này nhiều hơn nữa.

Theo PGS Phương, những dấu hiệu cảnh báo trầm cảm cần chú ý gồm: Người bệnh luôn buồn chán, bi quan, mất quan tâm thích thú đối với các công việc hàng ngày và mất sự cố gắng trong lao động chân tay, trí óc, mệt mỏi, kiệt sức. Khó tập trung, giảm chú ý, hay quên, giao tiếp kém linh hoạt. Dấu hiệu mất ngủ, khó ngủ là dấu hiệu điển hình ở bất cứ bệnh nhân trầm cảm nào.

Ngoài ra, người bệnh còn có cảm giác lo lắng vô cớ và ý nghĩ tội lỗi với người thân, tự ti, cảm thấy mình vô dụng, nghĩ ngợi liên quan đến chết chóc, có ý nghĩ và hành vi tự sát.

Khi có các dấu hiệu của trầm cảm, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được điều trị đúng chuyên khoa của bệnh. Điều trị trầm cảm cần nhiều thời gian và có sợ trợ giúp của gia đình người bệnh.