Sốt xuất huyết tấn công thai phụ: Sau 4 ngày đã tổn thương phổi nguy kịch
Đó là trường hợp của chị N.T.L.L (32 tuổi), đến khám và nhập viện điều trị tại một bệnh viện tại TP Thủ Đức (TPHCM) với chẩn đoán ban đầu là sốt xuất huyết Dengue ngày 2. Đáng chú ý, lúc này chị L. đã mang thai được 25 tuần.
2 ngày sau đó, chị L. vẫn còn sốt cao kèm xuất hiện triệu chứng đau tức ngực, khó thở, thở nhanh, suy hô hấp trên lâm sàng. Kết quả chụp phim X-quang ghi nhận chị L. tổn thương lan tỏa 2 phổi.
Bác sĩ Phan Thanh Toàn, Trưởng khoa Nội của bệnh viện cho biết, đây là trường hợp có tình trạng lâm sàng diễn tiến nặng, dẫn đến các biến chứng khác nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.
Hội chẩn nội viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị suy hô hấp cấp, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, sốt xuất huyết Dengue ngày 4 trên yếu tố nguy cơ đang mang thai.
Bệnh nhân được lên phác đồ điều trị bằng cách dùng kháng sinh phổ rộng, cân bằng nước điện giải, oxy liệu pháp, cũng như theo dõi sát diễn tiến lâm sàng để kịp thời điều chỉnh lượng thuốc phù hợp.
Ngày thứ 3 điều trị theo phác đồ, chị L. giảm khó thở, giảm tức ngực, ăn uống được, tiêu tiểu tốt. Đến ngày nằm viện thứ 5, bệnh nhân không cần thở oxy qua cannula mũi, chỉ số oxy máu chuyển về bình thường.
Đến ngày nằm viện thứ 11, chị L được chụp lại X-quang phổi, cho thấy tổn thương giảm hơn 90%, các chỉ số gần như trở về bình thường. Bệnh nhân được xuất viện sau 12 ngày điều trị.
Theo bác sĩ, trước đó chồng của chị L cũng mắc sốt xuất huyết Dengue, được vợ trực tiếp chăm sóc. Khi chồng gần khỏi bệnh thì đến người vợ mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ nhận định, nhờ nhập viện sớm ngay những ngày đầu của bệnh mà chị L. được phát hiện sớm những diễn tiến bất lợi và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là thai phụ nâng cao cảnh giác với các triệu chứng của sốt xuất huyết như sốt, mệt mỏi để nhập viện đúng thời điểm. Nếu được chỉ định điều trị ngoại trú, bệnh nhân phải tuân thủ tốt chế độ điều trị, khi có triệu chứng bất thường phải đi tái khám ngay để được bác sĩ đánh giá cụ thể tình hình.
Đặc biệt, người bệnh cần được nhập viện sớm nếu thuộc các trường hợp như: Sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi (60 tuổi trở lên); người có bệnh mạn tính đi kèm vì sẽ dễ chuyển biến nặng hơn nhóm đối tượng khác.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) trong 6 tháng đầu năm 2022, địa phương đã có tổng cộng 10 trường hợp sốt xuất huyết tử vong, trong đó có 2 thai phụ. Cụ thể, 2 trường hợp này khi có triệu chứng sốt không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết nên tự mua thuốc uống tại nhà, dẫn đến việc nhập viện trễ, đã gây biến chứng nặng và không qua khỏi.
Báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, bệnh viện đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai tăng cao.
Phụ nữ có thai mắc sốt xuất huyết có thể bị các biến chứng nguy hiểm như suy đa tạng, suy gan, xuất huyết nhiều, sốc sâu... Tuy nhiên, nhóm này chưa có hướng dẫn quốc gia điều trị cụ thể.
Do đó, Sở Y tế TPHCM đã giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chủ trì, phối hợp với các bệnh viện phụ sản, các khoa Hồi sức sơ sinh xây dựng phác đồ điều trị riêng về chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết là phụ nữ có thai.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....