Trong những ngày đầu năm mới, cùng với sự bùng phát của dịch sởi là sự gia tăng nhanh chóng số bệnh nhân sốt xuất huyết. 

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, nóng. Đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể, thậm chí tử vong. Chính vì vậy việc nhận biết sớm những triệu chứng bệnh và cách theo dõi bệnh rất quan trọng với người dân.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết Dengue do virus Dengue gây ra. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh: 1, 2, 3 và 4.

Khi mắc bệnh, kháng thể bạn thu được nếu bị nhiễm tuýp 1 không giúp bạn miễn dịch hoàn toàn khi bị nhiễm tuýp khác.

Điều này có nghĩa là gì? Là bạn hoàn toàn có thể mắc sốt xuất huyết lần 2, lần 3 nếu không thực hiện đúng những biện pháp phòng bệnh.

Muỗi Andes (muỗi vằn) là nguồn lây truyền bệnh sốt xuấy huyết - Ảnh minh họa: Internet

Virus Dengue được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi Andes (hay còn gọi là muỗi vằn) đốt. Nhiệt độ thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển là trên 26 độ C.

Triệu chứng

Bạn sẽ gặp những triệu chứng sau khi bị mắc sốt xuất huyết: 

- Sốt cao liên tục, đột ngột

- Nhức đầu

- Đau nhức 2 hốc mắt

- Đau cơ, đau khớp, đau mỏi mình mẩy

- Có thể có chán ăn, buồn nôn

Các triệu chứng xuất huyết:

+ Xuất huyết dưới da: Nốt hoặc chấm xuất huyết rải rác trên da.

+ Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, kinh nguyệt lượng nhiều hơn bình thường, kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn so với chu kì bình thường.

+ Xuất huyết nội tạng: Đi ngoài phân đen, nôn ra máu.

Những triệu chứng chính của bệnh sốt xuất huyết - Ảnh minh họa: Internet

Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết

Giai đoạn sốt: Thường từ ngày thứ 1 - 3

Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt nhưng đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Yêu cầu sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế cũng như người bệnh và gia đình.

Giai đoạn hồi phục : Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên.

Bạn cần theo dõi những gì?

Nhiệt độ: nhớ ngày khởi phát bệnh, theo dõi nhiệt độ cách 2 – 3 tiếng/lần. Bạn nên vẽ biểu đồ nhiệt độ của mình để tiện theo dõi: Đỉnh sốt có hạ không? Thời gian giữa các cơn sốt có giãn không?

Xuất hiện chấm nhỏ màu đỏ trên da: Ngày bắt đầu xuất hiện? Vị trí xuất hiện (ở cẳng tay, cánh tay, đùi, cẳng chân,….)

Chảy máu mũi, chảy máu chân răng (kể cả khi đánh răng): Ngày bắt đầu xuất hiện? Lượng máu chảy ra nhiều hay ít?

Đi ngoài phân màu đen (như nhựa đường), đi tiểu ra màu đỏ: Ngày bắt đầu xuất hiện?

Ra máu âm đạo: Có đúng chu kì bình thường không? Lượng kinh nguyệt có nhiều hơn bình thường? Có kéo dài hơn bình thường?