Sốc phản vệ vì ăn sá sùng

Anh N.V.Đ. (26 tuổi, Hà Nội) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng người nổi mề đay, ngứa, chảy nước mũi. Anh Đ. cho biết mình ăn con sá sùng trước đó. Sau nửa tiếng ăn, anh thấy người bắt đầu ngứa ngáy, khó chịu. Tình trạng ngày càng nặng hơn nên anh vào bệnh viện khám.

Trước đó, anh Đ. đã từng bị dị ứng với một số loại hải sản và thuốc. Tuy nhiên, anh đã điều trị và việc ăn sá sùng anh chủ quan nghĩ bệnh dị ứng đã khỏi.

Tại bệnh viện, bác sĩ nghi ngờ anh bị sốc phản vệ do thức ăn. Bệnh nhân có da và niêm mạc đỏ hồng, xuất hiện sần và phù rải rác toàn thân, mạch nhanh nhưng thân nhiệt bình thường và còn tỉnh táo.

Người nổi mề đay do dị ứng thức ăn - Ảnh minh họa: Internet

Xét nghiệm phân tích máu cho thấy các chỉ số bạch cầu lympho, men gan và dị ứng đều tăng. Vì vậy, các bác sĩ cấp cứu bằng phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế. bác sĩ cho người bệnh nằm tư thế đầu thấp chân cao, tiến hành tiêm bắp Adrenalin, truyền dịch tinh thể và thở oxy mask.

Tuy nhiên, sau 30 phút, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển sang sốc phản vệ nguy kịch (độ III) với các dấu hiệu kích thích, vã mồ hôi lạnh, mạch nhanh 140 lần/phút, huyết áp tụt, khó thở. Bác sĩ tiếp tục duy trì bơm tiêm điện Adrenaline tĩnh mạch và các thuốc cấp cứu khác, thở oxy qua mask, theo dõi huyết áp trên màn hình monitor. Sau 3 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân dần hồi tỉnh và được theo dõi dấu hiệu sinh tồn.

Đây không phải là trường hợp hiếm vì bị sốc phản vệ do thức ăn. Các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng cấp cứu rất nhiều trường hợp sốc phản vệ do thức ăn.

Trường hợp anh Đ.Đ.V. là bác sĩ của một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Anh V., đi ăn cùng với đồng nghiệp và ăn con nhộng tằm. Bất ngờ sau khi ăn, anh V. thấy người có dấu hiệu vã mồ hôi, tay chân bủn rủn, khó thở, huyết áp tụt. Dù được các bạn ăn cùng sơ cứu nhưng tình trạng chuyển biến nặng. Anh V. được đưa vào bệnh viện cấp cứu và được chẩn đoán sốc phản vệ do thức ăn, có thể do nhộng tằm.

Sốc phản vệ không trừ ai

BSCKI Nguyễn Minh Thắng, Phó Khoa Nội Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết trường hợp sốc phản vệ do thức ăn đó là một phản ứng nghiêm trọng của cơ thể với dị nguyên ở đây là thực phẩm. Không chỉ sốc phản vệ do thuốc mà bất cứ dị nguyên nào khi đưa vào cơ thể đều có thể gây sốc phản vệ.

Sốc phản vệ nguy hiểm và có nhiều bệnh cảnh khác nhau nhưng có đặc điểm chung là xuất hiện nhanh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Thắng cho biết các dấu hiệu của sốc phản vệ thường xảy ra đột ngột từ vài phút đến vài giờ sau tiếp tiếp xúc với dị nguyên như: thuốc, bị côn trùng đốt, hay sau khi ăn thức ăn lạ.

Những món ăn dễ gây sốc phản vệ - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Thắng khuyến cáo khi có các triệu chứng, người bệnh thường chủ quan, tự mua thuốc về dùng và nghĩ là sẽ giảm sau một thời gian. Bác sĩ Thắng khuyến cáo, khi có biển hiện sốc phản vệ, chúng ta nên đến các cơ sở y tế tin cậy để được tư vấn điều trị, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Để phòng sốc phản vệ do thức ăn, Bác sĩ Thắng khuyến cáo những người có tiền sử dị ứng với hải sản hay một loại thực phẩm nào cần hết sức cẩn trọng. Trường hợp dị ứng với thuốc cần trao đổi với bác sĩ khi được đơn thuốc vì nguy cơ dị ứng thuốc có thể xảy ra.

Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Với những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bị sốc do ăn uống những đồ có chất lạ.

Người bệnh và người xung quanh cần chú ý rằng việc cấp cứu bệnh nhân bị sốc phản vệ phải được thực hiện ở nơi có đầy đủ y bác sĩ có chuyên môn và dụng cụ hỗ trợ, hộp thuốc chống sốc. Vì vậy, hãy ngay lập tức đưa những người có biểu hiện sốc phản vệ đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.