Sinh ra đã... cấp cứu

Tuy nhiên về mặt sức khỏe, các bác sĩ lại lo ngại việc sinh con to hoàn toàn không tốt như nhiều người lầm tưởng.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa cấp cứu điều trị Sơ sinh lúc nào cũng có các em bé sinh nhẹ cân và ngược lại là các em bé sinh nặng cân cũng phải vào cấp cứu.

Trường hợp của chị T.H.H. (Chương Mỹ, Hà Nội) mẹ của một bé sơ sinh nặng 4,6 kg từng nằm điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương cả tháng. Chị H. không thể nào quên được chặng đường dài đầy căng thẳng mà chị và gia đình trải qua khi từng ngày, từng giờ mong chờ tin con.

Trẻ sơ sinh quá nặng cân có thể không tốt cho sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet

Khi có thai, chị H. thường xuyên theo dõi thai kỳ và chị tăng cân rất đều. Đến khi thai được 39 tuần, chị H. đi siêu âm bé được 4kg. Bác sĩ cũng không cảnh báo gì nhiều nên chị cứ ung dung con to là thích. Đến lúc chào đời bé nặng 4,6 kg và bị hạ đường huyết nhanh chóng. Bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Thực tế tại khoa này, các bệnh nhi có cân nặng quá lớn thì sức đề kháng lại kém. Có những bé phải thở máy cả tháng trời. Các bác sĩ cho rằng trẻ sơ sinh to cân quá gia đình thích nhưng bác sĩ lo ngay ngáy.

Tại đây, trẻ sinh to chiếm 3 – 4% số trẻ nằm điều trị tại khoa sơ sinh. Đa số các trẻ này đều bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ thân nhiều. Những đứa trẻ to đều phải khám và theo dõi tới năm 7,8 tuổi.

Ai có nguy cơ sinh con to?

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Lưu Thị Thanh Loan, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, bình thường một trẻ sơ sinh đủ tháng có trọng lượng từ 2500 gram đến 3999 gram. Khi trọng lượng của trẻ sơ sinh từ 4000 gram trở lên, trẻ được xem là có cân nặng quá lớn, thai to, con to.

Bác sĩ Loan cho biết khác với suy nghĩ của nhiều người nghĩ rằng con đẻ ra to là tốt nhưng với các bác sĩ nhi thì những đứa trẻ sơ sinh có cân nặng lớn rất nhiều nguy cơ bệnh tật kể cả trong lúc sinh nở cho đến khi trẻ lớn lên, trưởng thành.

Các bà mẹ mang thai to cần theo dõi thai kỳ kỹ lưỡng - Ảnh minh họa: Internet

Những đứa trẻ sinh ra có cân nặng lớn thường đối diện với nguy cơ hạ đường huyết, suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh trong giai đoạn sinh đẻ.

Bác sĩ đã chứng kiến nhiều trường hợp bác sĩ mổ còn bác sĩ nhi sẵn sàng đứng bên cạnh chờ đợi những em bé khổng lồ ra đời và đưa cấp cứu ngay để phòng hạ đường huyết sơ sinh. Những em bé sinh ra đã phải cấp cứu thường là những em bé trong top nặng cân.

Bác sĩ Loan cho biết thai nhi phát triển nhanh có thể do sự tăng cường của quá nhiều chất dinh dưỡng hoặc do yếu tố môi trường tử cung của người mẹ, một số trường hợp có yếu tố di truyền. Những bà mẹ có tiền sử sinh con to thì các bé sau sinh con vẫn rất nặng cân.

Thực tế nhiều bà mẹ khi mang thai đều có suy nghĩ rằng muốn con của mình sinh ra phải bụ bẫm. Và tâm lý ăn cho con là chính nên mang thai là dịp ăn nhiều, ăn vô tội vạ, không kiểm soát cân nặng bản thân trong thai kỳ, dung nạp quá nhiều chất béo, đồ ngọt mà không biết rằng điều này gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé.

Theo bác sĩ Loan, khi thai nhi theo dõi trong bụng mẹ và tăng trưởng tốt, tức thai nhi nhận được chất dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, không phải cái gì nhanh, nhiều cũng là tốt cho cả đứa trẻ và bà mẹ.

Nếu mang thai quá to, không chỉ em bé gặp họa mà nguy hiểm cả cho bà mẹ vì bà mẹ phải trả qua cuộc sinh nở với nhiều nguy cơ như mổ sinh, chấn thương cơ quan sinh dục khi sinh ngả âm đạo, băng huyết sau sinh, vỡ tử cung… Những tai biến này nếu không được xử trí kịp thời, gây nguy hiểm tới cả tính mạng của bà mẹ.

Khi đi khám thai, nếu thai nhi phát triển nhanh, vượt quá cân nặng khuyến cáo thì thai phụ cần được các bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn quá nhiều, nhất là đồ ngọt, tinh bột… Đồng thời nên tăng cường rau xanh, hoa quả tươi.