1. Mù mắt -  biến chứng cực nguy hiểm trong làm đẹp

Mới đây, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận một trường hợp cấp cứu  với chẩn đoán viêm màng bồ đào toàn bộ mắt phải, tắc động mạch trung tâm võng mạc... do tiêm chất làm đầy. Được biết, bệnh nhân đã đến một cơ sở làm đẹp tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, bệnh nhân được tiêm chất làm đầy vào vùng trán phải và bị mờ mắt phải  ngay sau đó ít phút. Rất may người bệnh đã được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu kịp thời.

Viêm màng bồ đào nếu không được phát hiện và điểu trị kịp thời sẽ gây biến chứng rất nguy hiểm: Đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp, teo nhãn cầu, thậm chí gây mù loà.

Trước đó tại Bệnh viện Nhân dân 115 (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng tiếp nhận  một bệnh nhân nữ, sinh năm 1994 với biểu hiện yếu tay chân phải và mù mắt trái, ngay sau khi tiêm thẳng chất làm đầy vào vùng cạnh mũi. Khi khảo sát MRI não cho thấy, hình ảnh một chuỗi rất nhiều huyết khối gây tắc nhiều mạch máu nhỏ tại vùng ráp ranh bán cầu trái. Sau đó gây chuyển dạng xuất huyết não.

PGS.TS. BS. Nguyễn Huy Thắng (Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115) cho hay, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp gặp tai biến do tiêm chất làm đầy. Ước tính trên thế giới có khoảng 100 trường hợp được báo cáo đã gặp các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, mù mắt liên quan đến tiêm chất làm đầy để xóa các nếp nhăn, làm đẹp da. Bệnh viện Nhân dân 115 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã từng điều trị cho ít nhất 3 trường hợp bị mù mắt do kỹ thuật này.

Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo về các biến chứng này và chỉ chấp thuận cho chỉ định tiêm các chất làm đầy đối với các trường hợp xóa nhăn phần mặt dưới (vùng quanh môi).

Nhiều người chọn tiêm chất làm đầy để trẻ hóa làn da.

2. Vì sao chất làm đầy có thể gây tai biến?

Trong lĩnh vực thẩm mỹ, chất làm đầy (còn gọi là filler) thường được dùng để xóa bỏ hoặc làm mờ nếp nhăn trên khuôn mặt. Tiêm chất làm đầy làm căng da mặt là kỹ thuật thường được sử dụng trong thẩm mỹ để xóa các nếp nhăn.

Mặc dù, quy trình tiêm khá đơn giản, nhanh chóng và mang lại hiệu quả trong thời gian dài (có thể kéo dài từ 4 tháng đến hơn 1 năm). Tuy nhiên, sau tiêm chất làm đầy nhiều trường hợp đã gặp một số phản ứng ngoài da, sưng mặt, nổi mụn dưới da…, thậm chí có thể gây mù mắt, đột quỵ.

Theo PGS.TS. BS. Nguyễn Huy Thắng trên thực tế, không ai có thể chắc chắn việc chất làm đầy không bị tiêm thẳng vào các mạch máu. Khi lọt vào lòng mạch máu, chất làm đầy có thể gây thuyên tắc động mạch võng mạc (có thể gây mù mắt vĩnh viễn) hoặc thuyên tắc động mạch não (gây nhồi máu não).

Trong số các loại chất làm đầy, khoảng 80% các trường hợp được sử dụng là acid hyaluronic (một phân tử đường lớn, polysaccharide) có khả năng giữ một lượng nước khá lớn (gấp 500-1000 lần so với trọng lượng của nó). Đó là lý do các chị em đặc biệt ưa chuộng, nhất là những người ở tuổi mãn kinh.

Kích thước phân tử của acid hyaluronic khoảng 400µm. Trong khi đó, động mạch võng mạc có đường kính nhỏ hơn chỉ khoảng 160µm. Do vậy, nếu chất làm đầy vô tình lọt vào động mạch võng mạc thì có thể dễ dàng làm tắc nghẽn, mà ít khi ảnh hưởng đến động mạch mắt có đường kính to hơn rõ rệt (2mm).

Vậy làm sao phân tử của acid hyaluronic có thể lọt vào được hệ thống động mạch khi chỉ được tiêm dưới da?

Gần đây, người ta nhận thấy các phân tử acid hyaluronic có khả năng thẩm thấu qua da và cả mạch máu. Tuy nhiên khả năng các phân tử cực nhỏ này có thể gây thuyên tắc động mạch võng mạc hoặc động mạch mắt là rất khó xảy ra. Như vậy, phân tử của acid hyaluronic lọt vào hệ thống động mạch có khả năng là do tiêm thẳng vào động mạch vùng cạnh mũi.

Hệ thống mạch máu vùng mặt.

Nhìn vào hệ thống mạch máu vùng mặt, ta có thể hình dung đường đi của các phân tử acid hyaluronic trong trường hợp bệnh nhân bị mù mắt. 

Sau khi tiêm (một cách vô tình) một phần vào động mạch mũi bên (lateral nasal artery), các phân tử acid hyaluronic sẽ di chuyển ngược dòng về gây thuyên tắc động mạch võng mạch trung tâm (do có kích thước nhỏ hơn động mạch mũi bên). 

Một số các phân tử có kích thước nhỏ hơn sẽ tiếp tục di chuyển về động mạch mắt (nhưng không gây thuyên tắc động mạch mắt, do các phân tử này có kích thước nhỏ hơn) qua động mạch cảnh trong bên trái vào gây thuyên tắc tại các động mạch vùng vỏ não tận cùng. Sau khi gây thuyên tắc, các phân tử acid hyaluronic có thể gây viêm mạch máu tại chỗ và gây xuất huyết não thứ phát sau đó.

3. Không có điều trị đặc hiệu tai biến do tiêm chất làm đầy

PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh, cho đến nay vẫn chưa có điều trị đặc hiệu cho tai nạn do tiêm chất làm đầy. Dù bệnh nhân đến sớm, liệu pháp tiêu huyết khối bằng tPA có lẽ không có lợi ích vì không phù hợp cơ chế và có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. Hiện tại, chỉ có thể đưa dịch vào cơ thể với hy vọng có thể làm sạch các huyết khối.

Một số trường hợp được báo cáo thành công sau khi bơm thuốc tiêu sợi huyết qua động mạch mắt. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật này còn ít, nên chưa thể đánh giá chính xác về mặt hiệu quả thật sự.

Do đó, PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng khuyến cáo, các chị em nên thận trọng khi lựa chọn cách làm đẹp bằng phương pháp tiêm chất làm đầy. Đừng vì mong muốn làm đẹp mà tự đưa mình vào những rủi ro không đáng có.