Sáng 23/8: Giải trình tự gen, theo dõi biến thể mới ở bệnh nhân COVID-19 nặng, tử vong
Hơn 10 triệu người mắc COVID-19 ở Việt Nam đã khỏi bệnh
Bộ Y tế cho biết ngày 22/8 có 2.179 ca COVID-19, tăng thêm 600 ca so với ngày trước đó; Trong ngày có hơn 8.200 bệnh nhân ra viện và 1 trường hợp tại Quảng Ninh tử vong. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp có bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.386.016 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.771 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.080.681 ca; Trong số bệnh nhân đang theo dõi, giám sát có 128 ca thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 111 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 7 ca; Thở máy không xâm lấn: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca.
Tại cuộc họp mới đây, Lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi chặt chẽ nhóm bệnh nhân nặng, tử vong, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gen, theo dõi biến thể virus SARS-CoV-2.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện các biến thể mới của COVID-19
Theo Bộ Y tế tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và tại Việt Nam. Trong nước ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh. Thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Tổng số ca COVID-19 ghi nhận ở nước ta 7 ngày qua khoảng 16.000 ca.
Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Cần Thơ tổ chức tháng cao điểm tiêm chủng vaccine COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, tỷ lệ người dân tiêm chủng mũi 3, 4 thấp, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa yêu cầu các sở ngành, quận huyện hỗ trợ tối đa cho ngành y tế để tổ chức cao điểm 'tháng tiêm chủng'.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng Sở Y tế hoàn thành mục tiêu tháng cao điểm tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng thuộc phạm vi đơn vị quản lý, đặc biệt là nhân viên giao hàng, tài xế của các doanh nghiệp vận tải, tiểu thương tại các chợ, siêu thị...
Sở Y tế phải tổ chức đa dạng các hình thức tiêm chủng: điểm tiêm cố định, điểm tiêm lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị... Có thể nghiên cứu tiêm cả ngày thứ bảy, chủ nhật để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi tiêm vaccine.
Sở Giáo dục và đào tạo cần lưu ý rà soát, thống kê số lượng trẻ chưa được tiêm chủng để vận động cha mẹ đưa con em đi tiêm. Mục tiêu Cần Thơ đặt ra trước khi bước vào năm học phải đảm bảo tối thiểu 95% giáo viên, học sinh và người cung cấp dịch vụ tại các trường học trên địa bàn được tiêm chủng...
Đến nay tỉ lệ tiêm mũi 3 của TP Cần Thơ chỉ mới đạt trên 56,6%- hiện là 1 trong 5 địa phương tiêm thấp mũi 3 trên cả nước; tỉ lệ tiêm mũi 4 đạt 66,7%. Riêng trẻ từ 12 - 17 tuổi tiêm mũi 3 mới đạt hơn 44%. Trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 92,3% và tiêm mũi 2 đạt trên 68%.
Phê duyệt, khởi động tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 601,1 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.Tiêm vaccine cho trẻ em là giải pháp được quan tâm. Ngày 20/8, giới chức y tế Canada cho phép tiêm mũi tăng cường của vaccine Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi nước này. Đầu tháng 8, Australia cũng phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ nguy cơ cao dưới 5 tuổi. Israel cũng khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Song song với các biện pháp phòng chống dịch, một số nước cũng bắt đầu hướng tới việc giảm bớt gánh nặng ngân sách cho cuộc chiến chống COVID-19. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bắt đầu chuẩn bị chuyển sang giai đoạn người dân và các công ty bảo hiểm chi trả các khoản phí tiêm vaccine, xét nghiệm và điều trị COVID-19 sau gần 3 năm được chính phủ tài trợ.
Dự kiến cuối tháng 8, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ sẽ họp để thảo luận về biện pháp mới. Cuộc họp sẽ có sự tham dự của các bên liên quan lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, trong đó đại diện của các chuỗi nhà thuốc, cơ quan y tế các bang và các nhà sản xuất thuốc sẽ thảo luận để vạch ra lộ trình và các quy định về quản lý để thực hiện chuyển đổi trên.
Các chuyên gia y tế và kinh tế Nhật Bản cũng kêu gọi chính phủ nước này đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....