Sản phụ sinh bé trai nặng hơn 5kg chủ yếu ăn trái cây, ngũ cốc
Chiều 17/5, bác sĩ CKI Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh - cho biết các bác sĩ của bệnh viện này vừa mổ lấy thai nhi có cân nặng lên tới 5kg cho sản phụ B.T.L. (33 tuổi, ở phường Yết Kiêu, TP. Hạ Long).
Chị L. nhập viện ngày 15/5 để theo dõi và chờ đến ngày sinh mổ theo kế hoạch. Tuy nhiên từ kết quả thăm khám, xét nghiệm và siêu âm kiểm tra trước sinh, các bác sĩ đánh giá thai nhi to, trọng lượng lớn hơn mức bình thường, tử cung xuất hiện cơn co chuyển dạ nên phải đưa sản phụ vào phòng mổ cấp cứu lấy thai kịp thời.
Bác sĩ Tuấn chia sẻ: “Quá trình siêu âm, chúng tôi đánh giá thai nhi sẽ nặng khoảng 4,2kg, tuy nhiên khi đưa bé ra khỏi bụng mẹ và đặt lên cân thì bé trai có trọng lượng lên tới 5kg. Đây là trường hợp hiếm gặp, rất lâu rồi bệnh viện mới chào đón một em bé sơ sinh có cân nặng “khủng” đến như vậy".
Thông thường, tiêu chuẩn cân nặng bình thường ở trẻ sơ sinh sẽ khoảng từ 2,8 đến 3,5kg. Với mức cân nặng trên 4kg đã được đánh giá là thai to, cần phải theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi thường xuyên. Với sơ sinh có cân nặng 5kg sẽ tương đương trọng lượng của trẻ 2 đến 3 tháng tuổi.
“Những trẻ sơ sinh có cân nặng lớn cần phải theo dõi sát sao vì nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh cao. Khi ở trong bụng mẹ, mạch máu cung cấp cho thai nhi tốt, nhưng khi sinh ra nhu cầu năng lượng của bé nhiều hơn, khả năng bú chưa đạt có thể khiến bé bị hạ đường huyết, gây ảnh hưởng tới sức khỏe”, bác sĩ Tuấn cho hay.
Đây là lần sinh thứ 2 của sản phụ L. Lần sinh mổ thứ nhất dù cân nặng tăng đáng kể nhưng em bé ra đời chỉ nặng 3,5kg. Quá trình mang bầu bé thứ 2, chị L. ăn chủ yếu trái cây và các loại ngũ cốc bổ dưỡng, cân nặng chỉ tăng khoảng 11 kg nhưng bé lại nặng tới 5kg.
“Nhìn con chào đời bụ bẫm, khỏe mạnh, tôi mừng vô cùng. Khi nghe bác sĩ thông báo cân nặng của con, tôi và gia đình rất bất ngờ. Rất cảm ơn các bác sĩ khoa Phụ sản bệnh viện tỉnh đã giúp tôi vượt cạn “mẹ tròn con vuông”, chị L. rạng rỡ tâm sự.
Với sản phụ có thai nhi to bất thường như chị L., tử cung có thể bị giãn căng quá mức, vì vậy các bác sĩ luôn theo dõi chặt chẽ tình trạng của mẹ, nhất là nguy cơ đờ liệt tử cung gây chảy máu trong và sau mổ. Việc điều trị dự phòng tốt sẽ giúp hạn chế những nguy cơ cấp tính có thể xảy ra, hạn chế rủi ro gây nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi.
Khi mang thai, mẹ bầu cũng được bác sĩ theo dõi kiểm tra đường huyết thường xuyên, chỉ số cho đến khi sinh đều ở mức ổn định. Hiện, sức khỏe sản phụ L. ổn định, chủ yếu chỉ còn đau vết mổ. Sau một ngày kiểm tra theo dõi, bé trai khỏe mạnh, bú tốt, không phát hiện bệnh lý bất thường.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.