Hiểm họa với con khi mẹ nằm than

Mới đây, bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vừa tiếp nhận trường hợp của bé N.M.N (13 ngày tuổi, sống tại tỉnh Bình Phước) cấp cứu trong tình trạng sốt cao, lừ đừ, bụng chướng, lưng sưng nề, đỏ.

Theo lời kể của chị B., mẹ bé N., thấy trời lạnh nên người nhà đã đốt than để dưới giường cho hai mẹ con sưởi ấm. Ngày đầu tiên nằm than, bé sốt nhẹ, khi được bế thì nín. Người nhà nghĩ bé khóc vì đòi mẹ bế.

Vết thương bỏng sau khi nằm than trên phần lưng của bé N. - Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 2

Tuy nhiên đến ngày thứ hai, thứ ba, bé khóc nhiều hơn, có biểu hiện sốt cao hơn, liên tục không giảm, bụng chướng, bụng da lưng cứng khi sờ vào. Bé còn có hiện tượng khóc dữ dội, bỏ bú. Gia đình lập tức đưa bé vào Bệnh viện thị xã Bình Long sau đó được chuyển lên tuyến trên trong ngày 5/12.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau khi được điều trị bằng kháng sinh, bé N. đã hạ sốt nhưng tổn thương lưng diễn tiến nặng hơn với dấu hiệu nổi bóng nước, da phập phều, hoại tử vùng trung tâm.

Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thực hiện rạch dẫn lưu mủ, điều trị phần áp xe cho bệnh nhi N. Thời gian điều trị dự kiến trong vòng một tháng nhằm giúp vết thương phần lưng bé N. có thể hồi phục.

Trường hợp của bé N. là một trong rất nhiều ca tai nạn vì chính quan niệm phụ nữ sau sinh nên nằm than cho ấm người, tử cung nhanh co lại.

Kinh nghiệm dân gian hoàn toàn phản khoa học

Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Cố vấn chuyên môn khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết kinh nghiệm dân gian bà đẻ nằm than sau sinh hoàn toàn phản khoa học. Hành động này gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Đối với người mẹ, bác sĩ Dung cho biết sản phụ sau sinh hơ bụng bằng bếp than sẽ không giúp tử cung co lại. Điều này hoàn toàn dựa theo căn cứ khoa học “chất rắn nở ra khi nóng lên, co lại khi lạnh đi”. Dùng bếp than hơ bụng không những khiến tử cung sản phụ không thu nhỏ mà còn gây nở và nhão ra.

Kinh nghiệm dân gian bà đẻ nằm than sau sinh hoàn toàn phản khoa học, gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và bé - Ảnh minh họa: Internet

Cửa mình cũng không vì ảnh hưởng hơi nóng từ bếp than mà thu hẹp lại. Việc tử cung và cửa mình thu nhỏ về trạng thái ban đầu hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa và sức khỏe của thai phụ sau sinh.

Đối với trẻ sơ sinh, sau khi từ bệnh viện về nhà, mẹ và bé thường được bố trí nằm ở những phòng kín, tránh gió. Trong khi đó, bếp than khi đốt nóng sẽ thải ra nhiều khí cac-bo-nic (CO2). Lượng khí này tràn ra khắp phòng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp của cả mẹ và bé.

Trẻ sơ sinh khi hít phải nhiều khí CO2 có thể gây ngạt ngở, viêm phổi, nguy cơ cao dẫn đến tử vong. Ngoài ra, làn da non nớt, nhạy cảm của bé có thể bị bỏng như trường hợp của bệnh nhi N. nói trên hoặc nổi rôm sảy.

Nghiêm trọng hơn, với những em bé sinh bằng phương pháp mổ, đặt bếp than hơ nóng trong phòng sẽ khiến chất đờm trong cổ họng con bị đọng lại, không thể thoát ra ngoài. Hậu quả là con có thể mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Do đó, bác sĩ Kiều Dung cho biết sản phụ sau sinh không nên để dưới giường một chiếc bếp than như thói quen thông thường. Thay vào đó là thực hiện chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tinh thần thoải mái để cơ thể sớm phục hồi sau sinh. Đó là cách làm khoa học nhất.