Sản phụ 21 tuổi nặng 117 kg sinh con thành công
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán cho biết đơn vị này vừa mổ sinh thành công cho một sản phụ có thể trạng đặc biệt.
Chị P.T.T.H. (21 tuổi, ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán) nhập viện lúc 9h ngày 18/9 trong tình trạng chuyển dạ. Tại đây, các bác sĩ đã thăm khám và chẩn đoán chị H. mang thai ở tuần thứ 38, ngôi đầu chuyển dạ sinh, tiền sản giật, vết mổ cũ đã lấy thai hai lần, đặc biệt sản phụ có cân nặng tới 117 kg.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thành Trung, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, cho biết sau thăm khám cho thấy đây là ca sinh khó, vì vậy ê-kíp đã quyết định mổ lấy thai cho sản phụ.
Em bé nặng 3,6 kg chào đời khỏe mạnh, khóc to. Ảnh: CDC Đồng Nai.
Trong quá trình phẫu thuật mổ bắt con, do bệnh nhân nặng ký nên việc thực hiện gây tê và truyền dịch rất khó khăn. Đồng thời, do vết mổ cũ hai lần dính chặt vào thành bụng, ca mổ khá phức tạp.
Cuối cùng, sau một giờ, ê-kíp đã thực hiện thành công ca mổ, bé gái nặng 3,6 kg chào đời khỏe mạnh, khóc to. Sau mổ, sản phụ tiếp tục được hồi sức tại phòng hậu phẫu. Em bé được chuyển về khoa Nhi để chăm sóc. Hiện sức khỏe mẹ và bé đều ổn định.
Bác sĩ Trung khuyến cáo sản phụ trong quá trình mang thai cần phải đi khám định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị triệt để. Quá trình mang thai cần kiểm soát tốt huyết áp, cân nặng và cần có thời gian giữa các lần sinh hợp lý, nhất là phụ nữ sinh mổ nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc do vết mổ cũ gây ra, thậm chí đe dọa tính mạng cả mẹ và bé.
Năm 2023, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng thực hiện ca mổ sinh thành công cho sản phụ có thể trạng béo phì. Sản phụ 25 tuổi (ngụ Hà Nội) nặng 132 kg trước khi mang thai và cân nặng thời điểm chuyển dạ sắp sinh là 155 kg, bị tiền sản giật nặng, béo phì và tiểu đường thai kỳ.
Năm 2019, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ cũng thực hiện ca sinh mổ cho sản phụ 25 tuổi, ngụ Long An, có cân nặng tới 162 kg, có tình trạng tiền sản giật.
Béo phì ở phụ nữ là một trong những tác nhân chính, tiềm ẩn các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, rối loạn cơ xương, một số loại ung thư. Khoa học cũng đã chỉ ra rằng trẻ có mẹ bị béo phì trong thai kỳ có nhiều khả năng bị béo phì hơn trong thời thơ ấu và niên thiếu.
Đối với các bà mẹ béo phì, trong suốt thời gian mang thai cũng cần rất nhiều năng lượng cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, các mẹ nên sử dụng và dung nạp các loại chất dinh dưỡng lành mạnh từ rau, củ, chất béo chưa bão hòa (dầu thực vật)…hạn chế các loại thức ăn chiên xào. Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng cần tuân thủ, kiểm tra sức khỏe tổng quát, tăng cường vận động và kiểm soát cân nặng.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...