Thủ phạm gây xơ gan 

Theo PGS Trịnh Thị Ngọc, Phó chủ tịch hội gan mật Hà Nội, hiện nay các bệnh lý về gan đang diễn biến hết sức phức tạp trong đó có nguyên nhân đến từ rượu bia.

Uống rượu bia làm các tế bào gan bị âm thầm phá huỷ và chỉ đến khi xơ gan, chảy máu thực quản, người bệnh mới hay lá gan của mình chỉ còn là đống xỉ than, xơ hoá không thể phục hồi được.

Bác sĩ Ngọc cho biết sau khi uống rượu, bia, nồng độ cồn hấp thụ vào máu và vào các cơ quan nội tạng. Toàn bộ lượng máu ở đường tiêu hóa đều phải đi qua gan trước khi về tim.

Vì vậy, gan là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất. Gan chuyển hóa rượu thành những acetaldehyde – chất rất độc không chỉ với gan mà còn cả  thần kinh, thị giác, dạ dày, đường tiêu hóa… Vì thế gan chuyển acetaldehyde  thành acetat ít độc hơn thải ra ngoài cơ thể.

Hình ảnh gan xơ do rượu, bia - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, khi lượng acetaldehyde cao quá ngưỡng thải độc của gan sẽ tích tụ lại ở lá gan của người uống bia rượu. Thời gian dần dần gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, viêm gan do tế bào gan bị huỷ hoại và giai đoạn muộn là xơ gan.

Những mảng xơ của gan không thể phục hồi, các bác sĩ chỉ giúp người bệnh làm chậm quá trình xơ gan hơn và cái kết cuối cùng cho những bệnh nhân xơ gan là ung thư gan.

Trong khi đó, ung thư gan đang là bệnh đứng đầu ở Việt Nam với khoảng gần 24 nghìn người mắc mỗi năm và tỷ lệ tử vong vẫn thuộc hàng cao nhất.

Rượu hay bia đều hại như nhau

TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện nay khoa trở thành nơi “hội tụ” của rất nhiều "đệ tử Lưu Linh" với đủ các mặt bệnh xơ gan, chảy máu thực quản.

TS Khanh thông tin: "Trước đây, có khoảng 70% bệnh nhân xơ gan điều trị ở khoa là bị viêm gan vi rút thì giờ đây hoàn toàn ngược lại với 70% bệnh nhân xơ gan là do bia rượu".

Theo TS Khanh, các bệnh nhân xơ hoá gan do uống rượu nhiều hầu hết đến viện trong tình trạng muộn, đã có biến chứng rõ ràng như xuất huyết tiêu hoá, vàng da, cổ trướng, viêm tụy... Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nôn ra cả lít máu tươi do vỡ tĩnh mạch thực quản, biến chứng của xơ gan. Trước đó người bệnh không hề biết do biến chứng xơ gan âm thầm phát triển.

Bia hay rượu đều hại cho gan - Ảnh minh họa: Internet

Điều khiến các bác sĩ ái ngại không chỉ điều trị mặt bệnh về tiêu hoá mà ngay cả vào viện vì chảy máu, xơ gan, các bệnh nhân này còn bị sảng rượu do hội chứng cai rượu đột ngột.

TS Khanh chia sẻ không ít  bệnh nhân uống tới 1 lít rượu/ngày. Ăn uống không hợp lý đến xơ gan nặng, khiến các ống dẫn (ống dẫn mật, ống dẫn đường tĩnh mạch, các mao mạch) đến lá gan bị đặc lại, không dẫn máu từ hệ tĩnh mạch cửa sang hệ tĩnh mạch chủ cho nên khiến lá gan bị chai, xơ gan.

Không chỉ uống rượu, TS Khanh chia sẻ nhiều người còn quan niệm rằng mình chỉ uống bia không sợ say, bia mát hơn rượu. Thực tế, 1 lon bia có khối lượng 330 ml tương đương với một cốc rượu mạnh 30 ml. Uống bia hay uống rượu đều ảnh hưởng tới gan như nhau. Với nồng độ cồn trong bia thấp hơn rượu thì người ta uống đến no thì thôi, điều này gây quá tải cho gan phải, khiến tế bào gan huỷ hoại.

Tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai, ngày nào cũng có bệnh nhân tới khám khám sức khỏe định kỳ. Không có triệu chứng nhưng kết quả siêu âm cho thấy tình trạng gan nhiễm mỡ và không ít trường hợp chuyển qua xơ gan, xơ gan mất bù. Một số khác tiến tới ung thư gan.

Khi bác sĩ hỏi có uống rượu không thì người bệnh nói thỉnh thoảng uống còn bia thì giải khát về mùa hè hầu như ngày nào cũng làm vài vại bia.

Trước tình trạng này, TS Khanh khuyến cáo không nên lạm dụng bia rượu đặc biệt là vào các dịp lễ Tết, để phòng tác hại của bia rượu. Ngoài ra, nên thường xuyên kiểm tra sức khoẻ định kỳ để phát hiện tình trạng của gan, sớm có biện pháp can thiệp.