Cây lục bình (bèo tây) là loại thực vật thủy sinh, thân thảo, sống nổi ở nước hoặc những nơi ẩm ướt. Cây rau có nhiều ở các tỉnh miền Tây nước ta. 

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên Trường đại học Y dược TP.HCM, cho biết các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trong lục bình có một số hợp chất như alkaloid, dẫn xuất phthalate, propanoid và dẫn xuất phenyl có tác dụng cao như kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa và phòng ngừa ung thư. Trong lục bình khô còn chứa lượng chất xơ cao, giàu khoáng chất. Ngoài ra, chiết xuất thô của lục bình cho thấy các hoạt động chống lại vi khuẩn gram dương và gram âm, chống lại các gốc tự do gây hại.

 

Cây lục bình có nhiều công dụng cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Vũ, tại Đài Loan, Indonesia người dân sử dụng lục bình để làm rau ăn giàu caroten. Nhưng ở nước ta, trước đây, cây rau này chủ yếu sử dụng làm thức ăn cho gia súc.

Vài năm trở lại đây, lục bình được xem là cây quý giá ở nước ta. Nhiều nơi ở các tỉnh miền Tây nước ta trồng lục bình để bán ra thị trường làm rau ăn. Phần thân lục bình phơi khô sử dụng trong ngành trang trí nội thất và làm các đồ dùng trong gia đình.

Bác sĩ Vũ cho biết, ngó lục bình xào giống như ngó sen. Đọt non và cuống lá lục bình có thể dùng để nấu canh với tép, cá lóc, tôm khô. Hoa có thể luộc chấm cá kho hoặc xào với thịt heo hay lòng heo, thịt bò… Hai bộ phận này có thể dùng để lẩu theo sở thích của từng người.

"Nhiều người còn tước ngó non và bông lục bình, rửa sạch để ráo, xào với tóp mỡ, chấm nước mắm ăn với cơm nóng. Canh chua cá lóc nấu với ngó lục bình cũng được xem là món ngon, nhiều người thích ăn", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Trong Đông Y, lục bình có tính mát, vị ngọt, hơi cay nhưng không chứa độc, có tác dụng lợi tiểu, sơ phong, chữa sưng tấy, giải độc và viêm đau như viêm tinh hoàn, viêm hạch bạch huyết, viêm khớp ngón tay, chín mé, sưng nách, sưng bắp chuối ở bẹn, tiêm bị áp xe,… Ngoài các tác dụng này, hoa lục bình còn giúp an thần. Trong đó, thân và lá của cây có công dụng tiêu viêm, giải độc da, giúp chữa ung nhọt, làm giảm sưng. Nó cũng có thế phối trộn với các vị thuốc khác chữa hạch cổ tràng nhạc.

Lục bình xào là món ăn được nhiều người thích ăn. Ảnh minh họa.

Lục bình có khả năng chứa thủy ngân cao, cần ăn cẩn thận

Bác sĩ Vũ lưu ý, khi sử dụng lục bình làm rau ăn hoặc làm thuốc chữa bệnh, người dân cần nhớ rằng, cây rau này mọc ở dạng tự nhiên nên có khả năng hấp thu kim loại nặng như thủy ngân, chì hoặc strontium. Vì vậy, tốt nhất không nên sử dụng lục bình mọc ở những nơi có nguồn nước ô nhiễm để tránh ngộ độc.

Ngoài ra, cũng không nên lạm dụng, ăn món này thường xuyên vì đặc tính hút kim loại nặng mạnh mẽ, do đó cần đề phòng lượng chất độc này tích tụ trong lục bình nhiều hơn các loại thực phẩm khác. Người có cơ địa nhạy cảm không nên ăn hoặc dùng lục bình làm thuốc chữa bệnh bởi các thành phần có trong dược liệu này có thể gây kích ứng dẫn đến ngứa.