Dâu tây là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng có tác dụng bảo vệ sức khỏe mạnh mẽ. Chúng có hàm lượng calo thấp, giàu chất xơ và dồi dào chất chống oxy hóa và polyphenol.

Một cốc dâu tây chứa hơn 100% mục tiêu tối thiểu hàng ngày đối với vitamin C hỗ trợ miễn dịch. Ngoài chức năng như một chất chống oxy hóa phòng chống lại bệnh tật và tuổi tác, vitamin C còn giúp tạo ra collagen và duy trì sức khỏe của da.

Ảnh minh họa: Internet

Dâu tây cũng rất giàu các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm khác. Đây là một lý do tại sao các loại quả mọng, bao gồm cả dâu tây, có liên quan đến sức khỏe của não. Trong một nghiên cứu, những phụ nữ lớn tuổi tiêu thụ ít nhất 1-2 khẩu phần dâu tây mỗi tuần (với một khẩu phần khoảng 8 quả dâu tây nguyên quả) đã giảm thiểu mất chức năng nhận thức. Chúng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng giúp quản lý lượng đường trong máu và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Những lợi ích tuyệt vời của quả dâu tây

Cải thiện chức năng tim

Dâu tây chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho tim như axit ellagic và flavonoid như anthocyanin, catechin, quercetin và kaempferol. Theo một nghiên cứu, các hợp chất phenolic này giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch bằng cách ức chế sự hình thành cholesterol toàn phần và LDL (có hại).

Ảnh minh họa: Internet

Dâu tây rất giàu chất xơ và vitamin C, một cặp chất dinh dưỡng tuyệt vời để giảm stress oxy hóa, có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư. Thêm vào đó, dâu tây là một nguồn cung cấp kali dồi dào, đã được chứng minh là giúp bảo vệ chống lại bệnh tim. Kali có thể giúp hỗ trợ giảm huyết áp, vì nó giúp giảm tác động của natri lên huyết áp.

Một nghiên cứu năm 2013 cho biết, tăng cường thực phẩm giàu kali đồng thời giảm lượng natri tiêu thụ có thể giúp hỗ trợ giảm nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ. Dâu tây bảo vệ tim bằng cách giảm viêm, tăng cường cholesterol tốt HDL, bảo vệ chống lại quá trình oxy hóa cholesterol xấu LDL (tiền thân của việc làm cứng động mạch) và cải thiện tuần hoàn.

Ảnh minh họa: Internet

Tăng cường hệ miễn dịch

Dâu tây là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời. Một chén dâu tây chứa 51,5mg vitamin C, khoảng ½ nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Như vậy, chỉ với hai chén dâu tây, bạn có đủ 100% lượng vitamin C theo yêu cầu.

Vitamin C là chất có khả năng tăng cường miễn dịch, đồng thời còn là chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Một nghiên cứu của trường ĐH California, Los Angeles, Mỹ vào năm 2010 phát hiện ra rằng, khả năng chống oxy hóa trong dâu tây sẽ trở nên khả dụng về mặt sinh học và sẵn sàng hoạt động trong máu sau khi ăn loại trái cây chỉ trong vài tuần lễ.

Hỗ trợ quản lý bệnh đái tháo đường

Ăn dâu tây có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2 vì dâu tây có chỉ số đường huyết thấp, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh đã xác nhận. Một nghiên cứu khác do Viện Nghiên cứu Y tế Canada tài trợ cho thấy, ăn dâu tây cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở những người mắc đái tháo đường.

Ăn dâu tây vào cuối bữa ăn đã được chứng minh là giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và lượng insulin. Điều đó chuyển thành năng lượng tinh thần và thể chất ổn định hơn. Nó cũng có thể giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, béo phì và bệnh tim.

Ảnh minh họa: Internet

Bảo vệ mắt

Đặc tính chống oxy hóa trong dâu tây có thể giúp ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể - tình trạng thủy tinh thể bị vẩn đục và có thể dẫn đến mù lòa ở người lớn tuổi. Mắt cần vitamin C để bảo vệ chúng không tiếp xúc với các gốc tự do từ những tia tử ngoại gay gắt của mặt trời, vốn có thể gây tổn hại cho các protein trong tủy tinh thể. Vitamin C còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự khỏe mạnh cho giác mạc và võng mạc của mắt.

Tuy nhiên, việc sử dụng vitamin C ở liều cao được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể ở những phụ nữ trên 65 tuổi. Những nhà nghiên cứu ở Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển cảnh báo rằng nguy cơ này xuất phát từ việc sử dụng các loại thuốc bổ sung vitamin C chứ không liên quan đến nguồn vitamin C do các loại trái cây và rau xanh cung cấp cho cơ thể.

Tăng cường chức năng não

Thường xuyên ăn dâu tây có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở phụ nữ lớn tuổi, mà các nhà nghiên cứu cho rằng do hàm lượng flavonoid cao (hay còn gọi là chất chống viêm có trong thực vật). Dâu tây rất giàu i-ốt, vitamin C và chất phytochemical, giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh.

Kali có trong dâu tây, được biết là có liên quan đến việc cải thiện chức năng nhận thức bằng cách tăng lưu lượng máu đến não. Nghiên cứu của Harvard cho thấy rằng tiêu thụ nhiều flavonoid, đặc biệt là từ quả việt quất và dâu tây, làm giảm tỷ lệ suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi.

Ảnh minh họa: Internet

Hạn chế viêm nhiễm

Các chất chống oxy hóa và những chất hóa học từ thực vật được tìm thấy trong dâu tây có thể làm giảm chứng viêm tại các khớp, vốn là nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp và còn dẫn tới bệnh tim. Một kết quả nghiên cứu do trường Y tế cộng đồng Harvard, Mỹ, thực hiện cho thấy ở những phụ nữ ăn từ 16 trái dâu tây mỗi ngày trở lên trong tuần, mức protein C-reactive (CRP - một loại protein được tìm thấy trong máu, biểu thị tình trạng viêm trong cơ thể) sẽ giảm được khoảng 14%.

Ăn nhiều dâu tây có sao không?

Mặc dù dâu tây giàu chất dinh dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, ăn quá nhiều dâu tây có thể gây ra một số tác hại cho sức khỏe, bao gồm:

Tăng cân

Dâu tây chứa đường và carbohydrate. Một kilogram dâu tây chứa khoảng 35-50 gam đường tùy vào độ ngọt của từng trái. Nếu ăn quá nhiều, sẽ cung cấp năng lượng dư thừa cho cơ thể, dẫn đến tăng cân.

Gây dị ứng

Một số người có thể bị dị ứng với dâu tây. Nếu ăn quá nhiều dâu tây, họ có thể gặp phản ứng dị ứng như khó thở, nổi mẩn, và đau bụng. Nguyên nhân của sự dị ứng này thường liên quan đến các hợp chất gọi là amines sinh học, bao gồm histamine, tyramine và phenylethylamine, có khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể. Khi một người tiêu thụ dâu tây và cơ thể của họ phản ứng với các amines sinh học này, có thể gây ra các triệu chứng dị ứng, như phát ban, ngứa ngáy, ho, khó thở và đau bụng.

Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với chất lycopene trong dâu tây, chất này cũng được tìm thấy trong các loại trái cây khác như cà chua và dưa hấu. Tuy nhiên, các trường hợp dị ứng này khá hiếm và thường không nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh minh họa: Internet

Tăng huyết áp

Dâu tây có chứa nhiều kali, một loại khoáng chất có thể tăng huyết áp. Vì vậy, nếu bạn có tiền sử về huyết áp cao, cần hạn chế ăn dâu tây. Kali là một khoáng chất quan trọng và cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm giúp cân bằng nước và điện giữa các tế bào, hỗ trợ hoạt động cơ bắp và tim, và giúp duy trì huyết áp ổn định.

Song khi lượng kali trong cơ thể quá cao, nó có thể kích thích tế bào thần kinh và các mô liên quan đến tuyến thượng thận, gây ra sự tăng sản xuất và giải phóng hormone aldosterone. Aldosterone là một loại hormone có tác dụng giúp cơ thể giữ lại nước và muối, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Điều này có nghĩa là nếu bạn có tiền sử về huyết áp cao, việc tiêu thụ quá nhiều kali, chẳng hạn như từ dâu tây, có thể làm tình trạng huyết áp của bạn trở nên xấu đi.

Cách chọn dâu tây ngon

Dâu tây được thu hoạch, đóng hộp và bày bán nhưng không phải lúc nào bạn cũng gặp được các mẻ dâu tây tươi mới. Hoặc đôi khi các hộp dâu tây quả trên bề mặt đều tươi đỏ. Nhưng về nhà mở ra bên dưới lại bị thâm nhũn. Bạn hãy tìm những quả dâu tây màu đỏ và căng mọng nhất có thể với bề ngoài bóng mỡ màng, phần cuống xanh tươi. Nếu chúng được đựng trong hộp nhựa, hãy nhấc hộp lên và kiểm tra ở phần đáy xem quả có mốc, dập, thâm hay không.

Ảnh minh họa: Internet

Hiện tại trên thị trường tồn tại nhiều giống dâu tây với nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Bạn nên chọn loại dâu tây hữu cơ để tránh dâu bị phun thuốc nhiều. Bởi thông thường dâu tây là loại sản phẩm dễ bị nhiễm thuốc trừ sâu nhất.