Trên Annals of Internal Medicine, các bác sĩ Đức cho biết bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Đại học Cologne trong tình trạng tăng triglyceride huyết quá cao.

Thông thường, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp plasmapheresis, tức là tách huyết tương khỏi cơ thể để loại bỏ triglyceride thừa cũng như khác thành phần độc hại khác.

Tuy nhiên, máu của bệnh nhân này quá đặc và nhiều mỡ nên khi phẫu thuật tách máu, máy tách huyết tương đã hai lần bị tắc.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Cologne cho biết họ chưa từng gặp ca bệnh như vậy.

Mẫu máu từ cơ thể bệnh nhân 39 tuổi có màu trắng như sữa. Ảnh: Annals of Internal Medicine.

Theo Science Alert, lượng triglyceride trong máu thấp hơn 150mg/dL là bình thường, giữa 200 và 499 mg/dL là cao, 500mg/dL là rất cao. Trường hợp bệnh nhân này lượng triglyceride lên tới 18.000 mg/dL, làm đổi màu máu và dẫn đến hàng loạt triệu chứng như nôn mửa, đau đầu, mất dần ý thức.

Các bác sĩ nhận định béo phì, chế độ ăn uống, kháng insulin và khuynh hướng di truyền đã góp phần khiến người đàn ông rơi vào tình trạng trên. Ngoài ra, anh không dùng đúng liều thuốc tiểu đường được kê. Trên thang điểm hôn mê Glasgow, bệnh nhân chỉ cách mức sống thực vật một điểm.

Phân tách huyết tương không thành công, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Cologne quyết định trích máu bệnh nhân. Trích máu là phương pháp chữa trị cổ xưa, có nguồn gốc từ Ai Cập khoảng 3.000 năm trước.

Nó từng được áp dụng rộng rãi cho tới thế kỷ 18-19. Ngày nay, y học hiện đại đánh giá phương pháp trích máu đã lỗi thời, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Nhờ quyết định mạo hiểm, đội ngũ y tế đã giảm triglyceride thành công cho bệnh nhân. Họ rút hai lít máu trong cơ thể người đàn ông, sau đó truyền tế bào hồng cầu cô đặc, huyết tương tươi đông lạnh và dung dịch nước muối sinh lý.

Năm ngày sau bệnh nhân hồi phục. Bác sĩ Bệnh viện Đại học Cologne nhận định phẫu thuật trích máu cổ xưa vẫn có thể đáp ứng yêu cầu của y học thế kỷ 21 trong trường hợp không còn lựa chọn nào khác.