Vợ chồng đang đầu gối tay ấp, con cái phương trưởng, khỏe mạnh càng khiến cho hạnh phúc gia đình như được củng cố hơn bao giờ hết. Người vợ danh chính ngôn thuận được pháp luật và hai bên gia đình công nhận, nghĩa là người phụ nữ trong cuộc với bao nhiêu lợi thế đi kèm, nhưng vẫn để trái tim người đàn ông của mình lang thang và dừng chân ở một nơi nào đó.

Thực tế tuy phũ phàng nhưng phải chấp nhận rằng, một khi người đàn ông đã có tơ tình bên ngoài, thì trái tim của họ đã không trọn vẹn dành cho mình như buổi ban đầu nữa. Người phụ nữ, hằng ngày trong vai trò là một người vợ, người mẹ hiền vui vén tổ ấm gia đình, với khí chất và vẻ đẹp tự nhiên được bộc lộ một cách văn minh nhất - cũng không giữ chân nổi người đàn ông của mình.

 

Một vụ đánh ghen tàn bạo mới đây. Ảnh IT

Thử hỏi lúc người phụ nữ đáng thương ấy trong tận cùng của đau khổ, dồn hết sức bình sinh để đi đánh ghen, với sự xấu xí và thói côn đồ bộc lộ một cách thiếu kiểm soát trong cơn cuồng nộ - có giữ chân nổi người đàn ông lại bên mình được chăng? Có chăng sau tất cả những gì tung hê ngoài kia, thì người vợ chỉ góp phần bước đệm để đặt dấu chấm hết hoàn toàn cho cuộc hôn nhân của chính mình.

Đành rằng "người phụ nữ trong bóng đêm", hiện tại được xã hội đặt cho biệt hiệu "con giáp thứ mười ba" cũng chẳng phải là kẻ tốt đẹp gì, biết tình nhân đang có gia đình yên ấm nhưng vẫn cứ nhắm mắt lao vào. Tuy nhiên, xét ở góc độ thực tế công bằng mà nói, bản thân họ có những mặt ưu điểm nổi trội hơn người vợ ở nhà. Chính vì thế, người đàn ông mới có xu hướng ngoại tình để khao khát tìm đến bù đắp những thiếu sót mà người vợ hiền ở nhà không đảm nhận hết được.

Người đàn ông dửng dưng ngoài cuộc, mặc vợ và bồ đánh ghen lẫn nhau, có đáng để giành giật?
Có thể là sự mới lạ trong tình dục, sự lắng nghe và chia sẻ như một người bạn thực sự mà người đàn ông, sau những căng thẳng của nỗi lo cơm áo gạo tiền ngoài kia, tìm về và mong nhận được sự đồng cảm? Vậy thì sau khi phát giác người đàn ông của mình có người phụ nữ khác phía bên ngoài, sao người vợ hiền của gia đình ấy không giật mình nhìn lại xem bản thân mình đã thực sự cố gắng hay chưa?

Thay vì "ghen" một cách văn minh như tự trau dồi và giúp bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn để người đàn ông tự nguyện ở lại bên mình - thì có cần không, người vợ ấy dùng hết sức bình sinh còn lại để làm một trận đánh "tưng bừng khói lửa"?

Chỉ có kẻ yếm thế mới có cách thể hiện ồn ào và kém văn minh như vậy. Như một con thú đã sức cùng lực kiệt, dồn hết sức bình sinh còn lại để sống mái với kẻ thù - thì dù sau đó có giành chiến thắng, con thú ấy cũng phải quay về chịu đau đớn và tự liếm láp vết thương của chính mình.

Lựa chọn đánh ghen là phương thức kém văn minh cuối cùng mà người vợ tự thừa nhận, bản thân mình đang là người thua cuộc. Có chiến thắng vẻ vang hay không khi mà người phụ nữ ấy đi tuyên chiến với một kẻ đang bị xã hội lên án, rè bỉu? Rồi cách thức vào trận chiến cũng chẳng vẻ vang gì, khi mà bản thân họ đưa đối phương vào một trận chiến không cân sức, với sự tương quan lực lượng và tâm thế chuẩn bị bước vào cuộc chiến của đối phương hầu như là không có.

Người phụ nữ bị đánh ghen thân cô thế cô một mình, lại không có sự phòng bị trước, bỗng nhiên bị một đám người cuồng loạn từ trong bóng tối lao ra với gậy gộc, kéo cắt tóc và bao nhiêu vũ khí khác gây sát thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Biển người ồn ào vòng trong vòng ngoài không hiểu rõ thực hư câu chuyện, chỉ a dua theo tâm lý đám đông, xúm vào chửi bới, đồng thuận, mạt sát "thứ đàn bà cướp chồng người", "đánh nữa đi cho tiệt nòi con giáp thứ mười ba"...

Rồi người phụ nữ đi đánh ghen ấy trở về, đối diện với nỗi đau "hậu đánh ghen" mà không ai khác, chính mình là người chịu hậu quả nhỡn tiền. Thứ chiến thắng gây ảo giác trong chốc lát tan biến, nhường chỗ cho nỗi đau ê chề và sự im lặng đáng sợ của người chồng, cũng như hôn nhân đứng trước bờ vực thẳm tan vỡ. Đành rằng trước khi có màn đánh ghen ấy, người phụ nữ xác định đằng nào mái ấm gia đình cũng không cứu vãn nổi, nên mới chọn cách thức này, rồi "sau đấy ra sao thì ra", cốt hả lòng hả dạ và làm cho ra nhẽ một lần.

Ừ thì mọi thứ đã hạ màn rồi đấy. Nhưng người phụ nữ ấy rốt cuộc nhận lại được gì? Người đàn ông phản bội ấy có đáng để hai người phụ nữ phải lao vào nhau tranh giành? Nếu xét thấy bản thân đã nỗ lực rồi nhưng vẫn không đủ để có được người đàn ông ấy bên mình, thì phải nghĩ được rằng, họ không còn xứng đáng để mình yêu. Vậy sống chết làm gì bởi một kẻ không còn xứng với mình?

Bởi mục đích cuối cùng trong và sau cuộc hôn nhân, người phụ nữ nỗ lực tìm đến, đó là sự bình an trong tâm hồn. Đánh ghen chẳng làm cho người phụ nữ bình an hơn, trái lại di chấn để lại khiến họ đau khổ và dằn vặt suốt cả cuộc đời.