Thế nào là chứng biếng ăn ở trẻ em?

Theo BS Lê Thị Hải, Viện dinh dưỡng Quốc gia, biếng ăn là hiện tượng bé ăn ít hơn bình thường, sợ ăn hoặc bỏ ăn. Bé có thể có các biểu hiện như không chịu nuốt thức ăn, nhìn thấy thức ăn là khóc, nôn ọe hoặc chạy trốn… Bé được coi là biếng ăn khi có từ 2 dấu hiệu dưới đây trở lên:

- Bé ăn ít hơn ½ khẩu phần ăn theo tuổi.

- Không hợp tác với người cho ăn: gào khóc, quay mặt đi, đẩy tay ra...

- Thời gian ăn kéo dài trên 30 phút/bữa.

- Chỉ ăn một số lọai thức ăn nhất định. Ví dụ: Chỉ uống sữa không ăn cháo, bột; chỉ ăn cơm không ăn thức ăn; hoặc chỉ ăn cháo không uống sữa, không chịu ăn rau, quả.

- Không tăng cân liên tục trong 3 tháng liền, thậm chí giảm cân.

- Hay bị táo bón hoặc lượng phân ít hơn bình thường.                         

Nguyên nhân gây biếng ăn

Bs Hải cho biết có 4 nguyên nhân chính dẫn đến chứng biếng ăn, bao gồm:

Biếng ăn tâm lý

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất và cũng khó khắc phục nhất. Nếu mẹ thường xuyên ép bé ăn, dọa nạt, quát mắng để bé ăn (Thậm chí đè bé ra đổ thức ăn, bóp mũi để bé nuốt), bắt bé ăn hết khẩu phần, bỏ thuốc vào thức ăn của bé... sẽ khiến bé chán ăn, sợ ăn về lâu dài. Giống như người lớn, bé không thể ngon miệng và thích ăn khi có cảm giác bị ép buộc, bị gò bó hoặc bị đánh lừa.

Ép buộc trẻ ăn là một trong những nguyên nhân gây biếng ăn tâm lý - Ảnh minh họa: Internet

Biếng ăn do bệnh

Đây là hiện tượng thường gặp của tất cả các bé khi bị bệnh. Khi bé mắc các bệnh cấp tính như viêm phổi, viêm mũi họng, sốt, tiêu chảy thì việc chán ăn là điều không tránh khỏi.

Biếng ăn sinh lý

Nếu bỗng nhiên bé biếng ăn trong 1-2 tuần mà không bị bệnh gì, vẫn chơi đùa vui vẻ thì mẹ không nên lo lắng. Đây chỉ là biếng ăn sinh lý.

Vào khoảng các giai đoạn phát triển từ 3-4 tháng, 9-10 tháng, 16-18 tháng bé bắt đầu tập lẫy, tập đứng, tập đi, tập chạy... Những chuyển biến này khiến bé thấy mới lạ, bé hứng thú khám phá khả năng của bản thân và những thứ xung quanh nên lơ là việc ăn uống.

Biếng ăn do chế độ ăn không hợp lý 

Cho bé ăn uống không đúng cách, không khoa học thì cũng có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn. Nếu mẹ chế biến thức ăn không hợp khẩu vị bé, thức ăn đơn điệu, ăn uống không theo giờ giấc, ăn vặt trước bữa chính thì việc bé chán ăn là điều dễ hiểu.

Xử trí khi bé bị biếng ăn

Với 4 nguyên nhân ở trên, BS Lê Thị Hải khuyên các bậc phụ huynh nên có những cách xử trí phù hợp như sau:

Nếu bé biếng ăn do tâm lý, mẹ cần phải chữa các lỗi từ mẹ trước. Mẹ cần thật kiên nhẫn để tập lại cho bé thói quen ăn uống thoải mái, tự nhiên, khen ngợi động viên để bé dần dần khám phá lại vị ngon của thức ăn.

Nếu bé biếng ăn do bệnh, mẹ nên cho bé ăn làm nhiều bữa các thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, hợp khẩu vị, cho bé uống nhiều nước. Đặc biệt là các loại nước quả để bé vừa có năng lượng vừa hấp thu được vitamin và khoáng chất. Mẹ tuyệt đối không nên ép bé ăn khiến bé sợ hãi. Thời điểm này bé ăn ít mẹ không nên quá lo lắng, khi hết bệnh bé sẽ có xu hướng ăn trả bữa.

Biếng ăn lâu ngày sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng - Ảnh minh họa: Internet

Nếu bé biếng ăn do sinh lý, giai đoạn này mẹ nên cho bé ăn nhiều bữa, mỗi bữa nhiều thức ăn khác nhau, ưu tiên các thứ bé thích, dễ nuốt hoặc lạ miệng. Không nên ép bé ăn gây phản ứng sợ ăn sau này.

Trường hợp bé biếng ăn do chính chế độ ăn không hợp lý, mẹ nên:

- Từ khi bắt đầu ăn dặm tập cho bé ăn đa dạng các thức ăn.

- Đảm bảo thức ăn hợp hợp khẩu vị của bé, khi thay đổi thức ăn mới nên thay đổi từ từ xem kẽ món mới và món cũ để bé quen.

- Không cho bé ăn cùng một món cùng một kiểu ngày này qua ngày khác.

- Cho bé ăn đúng bữa đúng giờ, không nên vừa ăn vừa chơi, vừa ăn vừa xem ti vi.

- Không cho bé ăn vặt, đặc biệt là các đồ ngọt trước bữa chính vì các thứ này sẽ khiến bé ngang dạ. Hãy tạo cơ hội để bé được đói một chút, bé sẽ ăn nhiều hơn ngay.