Chào chuyên gia

Con gái tôi học lớp 2 nhưng tính cách nhút nhát, đi học thường xuyên bị các bạn bắt nạt. Cháu lại có xu hướng cam chịu, nhường nhịn và thường nhận thiệt về bản thân. Tôi đã cho cháu tham gia nhiều hoạt động tập thể, cũng như tổ chức những buổi giao lưu ngoại khóa với các bạn trong lớp nhưng vẫn không cải thiện được nhiều.

Xin chuyên gia cho lời khuyên.

Lan Chi (Vũng Tàu)

NCS TS. BS Nguyễn Bá Phước Anh, Viện trưởng viện Nghiên cứu Ứng dụng khoa học Tâm lý, Tâm thần và Thần kinh

Chào bạn!

Vì bạn không nói rõ là kể từ khi sinh ra con bạn có biểu hiện gì về rối loạn phát triển không, ngoài tính cách nhút nhát.

Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nạn nhân của bắt nạt có xu hướng sở hữu một số đặc điểm chung như sau:

Các em sống xa lánh xã hội hoặc tự cô lập mình với các bạn ở trường. Hoặc các em có tính cách nhạy cảm, dễ bị tổn thương hay tính cách thất thường, lập dị. Các em cũng có thể có chứng rối loạn lo âu. Sở dĩ vậy vì trẻ đi bắt nạt cần tìm một người dễ chế ngự và kiểm soát, trẻ có những đặc điểm này sẽ trở thành mục tiêu lý tưởng cho kẻ bắt nạt. Thông thường, sẽ dễ dàng hơn nhiều để thống trị một người thu mình, thường cô độc, nhạy cảm và hoặc lo lắng, hơn là một người hướng ngoại, được bạn bè vây quanh và tự tin. Ngoài ra, ngoại hình quá khổ hoặc quá còi cọc cũng là mục tiêu bị chế diễu.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em gặp khó khăn trong các nhiệm vụ xã hội sau đây có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của những kẻ bắt nạt:

Trẻ thiếu khả năng nhận biết các tín hiệu phi ngôn ngữ của bạn bè vì dụ nhóm trẻ này không nhận ra được sự ra hiệu của bạn hay hành vi đảo mắt của nhóm đi bắt nạt hướng tới mình hay một bạn học đang gõ vào chân hoặc quay đầu lại để thúc giục họ khi họ đang kể một câu chuyện nào đó.

Những hiểu biết sâu sắc động cơ trẻ bắt nạt và đặc tính của trẻ hay bị bắt nạt là bước quan trong đầu tiên cho giải pháp chấm dứt sự bắt nạt.

Có thể cháu chỉ là trẻ nhút nhát, tốt bụng, hay chịu thiệt về mình chứ không có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Bạn nên cho con tới trung tâm tâm lý để các chuyên gia hướng dẫn con thêm các kỹ năng để đối phó với tình trạng bắt nạt này. Bạn cũng cần nắm được ai là người hay bắt nạt con bạn? động cơ chính nào cho hành vi xấu này. Bạn cũng cần trao đổi thêm với cô giáo chủ nhiệm và kết giao với phụ huynh của các trẻ hay bắt nạt, kết nhóm với các trẻ là nạn nhân khác để có buổi gặp gỡ trao đổi và giải quyết một cách chân thành. Bởi lẽ không cha mẹ nào muốn con mình đi bắt nạt người khác.