Việc phòng dịch sốt xuất huyết cần được đảm bảo ngay từ trường mầm non. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ em là một trong những nhóm có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết do đặc thù về sinh hoạt và thể trạng dễ bị muỗi đốt. Mặt khác, do sức đề kháng kém, trẻ dễ gặp các biến chứng nặng.

Thời gian qua, song song với những nỗ lực phòng dịch sốt xuất huyết trên địa bàn của toàn thành phố Hà Nội, trường Mầm non Song Phương A (huyện Hoài Đức) cũng là một trong đơn vị có những hoạt động tích cực về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng trường Mầm non Song Phương A, cho hay hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết trong nước và tại địa bàn xã vẫn tiếp tục gia tăng.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo UBND xã Song Phương đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng hơn đến các tầng lớp nhân dân, nhất là khối trường học về vấn đề phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Cụ thể, các nhà trường trên địa bàn xã có số lượng học sinh rất đông, hầu hết gia đình đều có con đang là học sinh. Vì vậy, bà Định cho rằng nhà trường cần tuyên truyền bằng các hình thức khác nhau để các học sinh cũng trở thành tuyên truyền viên trong vệ sinh môi trường, phòng, chống sốt xuất huyết.

Trường Mầm non Song Phương A có gần 300 học sinh và 37 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hàng năm, ban giám hiệu nhà trường đều xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức, triển khai các hoạt động y tế trường học và phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng cũng như những dịch bệnh khác.

Đồng thời, ban giám hiệu cũng đề ra những phương hướng chỉ đạo tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường đảm bảo tốt việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh cũng như bản thân.

Trong đó, lưu ý đặc biệt là vệ sinh môi trường, thường xuyên kiểm tra, phát hiện, thu gom và xử lý các dụng cụ chứa nước thải, nước đọng, bể cây cảnh có nước - nơi sinh sản của bọ gậy.

Nhà trường cũng coi trọng việc tuyên truyền đến phụ huynh học sinh trong việc phòng, chống dịch tại gia đình.

Bà Định thông tin: “Chúng tôi đã phối hợp với trạm y tế xã định kỳ phun khử khuẩn, phun thuốc muỗi. Hàng tuần, chúng tôi đều tổ chức buổi tổng vệ sinh lớp học, vệ sinh toàn trường để các học sinh có môi trường học tập tốt và an toàn nhất”.

Theo vị lãnh đạo này, nhà trường vẫn duy trì đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát tại trường học để thực hiện công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại cơ sở giáo dục này.

Một số hình thức tuyên truyền về phòng dịch sốt xuất huyết đã được nhà trường thực hiện trong thời gian qua gồm: Thông qua các buổi họp phụ huynh, giờ học kỹ năng sống, phát tờ rơi tuyên truyền cho học sinh, đăng bài tuyên truyền trên website của nhà trường…

Nhà trường cũng đã huy động giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt bọ gậy tại gia đình và trường học; tổng vệ sinh lớp học, trường học hàng ngày, hàng tuần.

Mặt khác, cơ sở này cũng đang theo dõi chặt tình trạng sức khỏe của học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.

Ghi nhận tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), hiện mỗi ngày cơ sở y tế này khám và phát hiện tới 7-10 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết (chiếm 10% lượng bệnh nhân tới khám). Số trẻ phải nhập viện để theo dõi điều trị mỗi ngày cũng lên tới 3-5 trường hợp. Lượng bệnh nhi mắc sốt xuất huyết hiện phải điều trị nội trú là 15 trường hợp, chiếm 30% trên tổng số bệnh nhân tại khoa.