Có thể phòng ngừa được nguy cơ hăm tã

Tiến sĩ Kana, Khoa Da liễu Bệnh viện Cincinati (Mỹ), cho biết hăm tã không phải dị ứng như nhiều cha mẹ nghĩ, không liên quan đến cơ chế dị ứng.

Hăm tã chỉ là viêm da tiếp xúc với các thể nhẹ. Trung bình khi chưa có bội nhiễm bên ngoài, hiện tượng này sẽ thường tự hết trong khoảng thời gian 4-5 ngày từ lúc da có biểu hiện đỏ rát nếu da được chăm sóc tốt và sạch sẽ.

Hăm tã thường không tái phát nếu kiểm soát tốt những tác nhân gây kích ứng da từ bên ngoài. 

Hăm tã ở trẻ chỉ là tình trạng viêm da tiếp xúc ở thể nhẹ - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh), cho biết có 4 tác nhân gây nên tình trạng hăm tã: Độ ẩm cao quanh khu vực da ảnh hưởng, độ axit vùng da ảnh hưởng cao, dính phân một thời gian và do cọ xát tiếp xúc giữa tã và da trẻ sơ sinh. Chỉ cần hạn chế hoặc khắc phục các tác nhân này thì có thể ngăn ngừa được.

Để khắc phục các tác nhân trên, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh khuyên cha mẹ cần:

Thay tã thường xuyên, tránh để da bé bị ẩm lâu do tiếp xúc với chất bẩn. 

Khi da bé dính phân hay nước tiểu, cha mẹ cần loại bỏ chất bẩn sớm và sử dụng nước ấm pha muối tỉ lệ 1 muỗng muối/500ml nước để lau vùng khu vực da tiếp xúc lần đầu.

Sau đó, lau sạch lại bằng nước ấm. Nếu thao tác này được thực hiện sớm và trong vòng 3 tiếng sau tiếp xúc thì da không bị kích ứng.

Mua tã đúng size và khóa dán đàn hồi để tăng co giãn khi trẻ vận động, hạn chế tiếp điểm bị ảnh hưởng lực quá lâu gây kích ứng da.

Cách chọn tã cho bé như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh thông tin: "Viện hàn lâm Nhi Khoa Mỹ (AAP) từng báo cáo những nghiên cứu cho thấy tã dùng một lần ít gây hăm tã hơn so với tã vải sử dụng lại. Nguyên nhân do tã vải không thể ngăn cản hoàn toàn sự tiếp xúc giữa da và chất thải.

Cả hai loại tã này đều có mức ảnh hưởng môi trường gần giống nhau theo kết quả những nghiên cứu gần đây".

Tã dùng một lần có thể bị bỏ đi dưới dạng rác thải nhưng tả vải để tái sử dụng cũng tiêu thụ năng lượng điện để giặt giũ và cũng phải sử dụng nước tẩy nhẹ để loại bỏ chất bẩn và vi khuẩn (theo hướng dẫn giặt an toàn của AAP 2009).

Điều này cũng gián tiếp sử dụng năng lượng và thải chất thải ra môi trường.

Cha mẹ nên chú ý tính năng sử dụng và mức độ thuận tiện khi chọn tã cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, Viện hàn lâm Nhi Khoa Mỹ khuyên cha mẹ không cần quan trọng bạn sử dụng loại tã nào. Điều quan trọng cha mẹ nên chú ý đến tính năng sử dụng và mức độ thuận tiện, thoải mái của trẻ.

Để chọn được loại tã phù hợp, cha mẹ nên:

Chọn tã đúng size của trẻ.

Để hạn chế hăm tã, nên thay tã thường xuyên. Chú ý quan sát những dấu hiệu khó chịu khi đầy tã của trẻ. Nên lau dọn sạch các chất thải sớm khi tiếp xúc với da trẻ sẽ tránh vấn đề viêm da.

Các khóa, dây chun hoặc bề mặt tiếp xúc giữa tã với da trẻ tránh quá chật và nên thuận tiện cho cha mẹ mở. Tuy nhiên, không chọn loại tã quá lỏng khi trẻ vận động, ôm vừa vặn cơ thể trẻ.

Cha mẹ nên chọn bề mặt tã làm từ chất liệu cotton mềm mại, thân thiện với làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh.

"Ngoài ra, bề mặt bên trong tã cũng cần được áp dụng thiết kế cải tiến như có các lỗ thấm hút hoặc bề mặt dạng sóng có các rãnh thấm kim cương giúp chất lỏng được dàn đều, thấm hút nhanh hơn và ngăn trào ngược lên trên bề mặt. Cấu tạo sóng cũng sẽ giúp giảm diện tích tiếp xúc giữa da trẻ với chất bẩn", bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh thông tin. 

Mặt đáy tã xốp êm, thoát ẩm giúp da của trẻ được “hô hấp” ngay cả khi mặc tã.