Phát hiện sớm bệnh suy giãn tĩnh mạch bằng những triệu chứng này để điều trị hiệu quả
Giãn tĩnh mạch chân hay giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh vô cùng phổ biến. Bệnh này có triệu chứng, dấu hiệu rất khó nhận biết nhưng nếu để lâu, không được điều trị sớm sẽ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, việc tìm hiểu thông tin chi tiết về căn bệnh suy giãn tĩnh mạch này là rất cần thiết để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
1. Bệnh suy giãn tĩnh mạch là gì?
Hệ tĩnh mạch ngoại biên gồm có tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên. Hệ tĩnh mạch hoạt động bình thường với cơ chế máu chảy từ tĩnh mạch nông qua tĩnh mạch xuyên vào tĩnh mạch sâu rồi về tim nhờ vào sự co cơ và các van tĩnh mạch. Những van này đóng vai trò như cánh cửa một chiều giúp máu không bị chảy ngược trở lại. Tuy nhiên, khi các van này bị tổn thương, tĩnh mạch bị giãn, thường là tĩnh mạch nông khiến cho máu chảy theo chiều ngược lại và ứ đọng ở ngoại vi. Từ đó gây ra các biến đổi về huyết động.
Bệnh giãn tĩnh mạch thuộc nhóm bệnh mạch máu ngoại vi. Không chỉ làm ảnh hưởng thẩm mỹ, giãn tĩnh mạch còn khiến người bệnh cảm thấy bất tiện trong đi đứng, sinh hoạt hàng ngày, thậm chí nhiều trường hợp nặng phải cắt bỏ chân. Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở phụ nữ, nhất là những người có công việc đặc thù phải đứng lâu như giáo viên, nhân viên phục vụ, bác sĩ phẫu thuật,... Và những người càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh lý này.
2. Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia y tế, chứng giãn tĩnh mạch chi dưới thường gây ra những cảm giác khó chịu, đau đớn cho người bệnh. Không chỉ làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ trên cơ thể mà còn cản trở công việc, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Nếu bệnh không phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch gây tắc mạch máu tại chỗ hay những chỗ khác. Nguy hiểm nhất là gây tắc mạch phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Ngoài ra, các tĩnh mạch bị giãn to rất dễ vỡ khi bị chấn thương hay va chạm nhẹ, dẫn đến xuất huyết, máu bầm, rối loạn sắc tố da như chàm, tăng sắc tố da và bị loét chân rất khó điều trị,...
3. Nguyên nhân bệnh suy giãn tĩnh mạch
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ có thể gây ra chứng bệnh này:
Yếu tố di truyền
Bệnh suy giãn tĩnh mạch không lây nhiễm nhưng lại có thể di truyền giữa các thành viên có quan hệ huyết thống trong gia đình. Theo kết quả y tế thống kê, có khoảng 80% bệnh nhân mắc bệnh này có cha hoặc mẹ bị suy giãn tĩnh mạch.
Sự thoái hóa do tuổi tác
Hệ tĩnh mạch và các van điều tiết máu theo thời gian và tuổi tác cũng bị thoái hóa. Hay nói cách khác, người càng già càng có nguy cơ mắc chứng bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Giới tính
Theo khảo sát, tỉ lệ nữ giới mắc bệnh giãn tĩnh mạch cao hơn nam giới do sự thay đổi hormone trong quá trình mang thai, sử dụng các loại thuốc tránh thai, mãn kinh hay đơn giản là thói quen mang giày cao gót thường xuyên,...
Thừa cân, béo phì
Đây cũng là một trong các yếu tố nguy cơ thường gặp của chứng giãn tĩnh mạch chi dưới. Khối lượng cơ thể sẽ tạo gánh nặng lên đôi chân khiến máu bị dồn về chân gây ra chứng bệnh suy giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, những người béo phì dễ mắc các bệnh cao huyết áp, xơ vữa mạch máu hay các vấn đề về tim mạch,...
Thói quen sinh hoạt, đặc thù công việc
Những người phải thường xuyên đứng quá lâu, ít vận động hay mang vác nặng đều có khả năng mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Có thể kể đến một số công việc như nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng, giáo viên,...
Người bị mắc một số bệnh lý
Chẳng hạn như các bệnh nhiễm trùng, khối u, bệnh nhân sau phẫu thuật bị biến chứng mắc mạch viêm mạch hay bị bó bột phải nằm một chỗ khá lâu,... đều có khả năng bị bệnh suy giãn tĩnh mạch.
4. Những triệu chứng bệnh suy giãn tĩnh mạch
Bệnh suy giãn tĩnh mạch có những triệu chứng khá mờ nhạt, khó phát hiện. Nhưng nếu không được điều trị sớm bệnh trở nặng rất nguy hiểm. Dưới đây là những triệu chứng mà bạn cần lưu ý:
Giai đoạn đầu
Đối với những bệnh nhân giãn tĩnh mạch ở giai đoạn đầu thường cảm thấy khó chịu ở bắp chân, có cảm giác nặng chân, chân bị phù nhẹ khi đứng hay ngồi lâu. Vào ban đêm, lúc ngủ dễ bị chuột rút, xung quanh mắt cá chân bị sưng, đau nhức, tê mỏi chân hay cảm thấy như bị kiến bò ở chân, rất khó chịu. Đồng thời, ở giai đoạn này, người bệnh có thể nhìn thấy các tĩnh mạch li ti nổi ở phần cổ chân và bàn chân, dễ nhầm lẫn với các gân máu trên cơ thể.
Giai đoạn tiến triển
Ở giai đoạn này, chứng giãn tĩnh mạch có triệu chứng rõ ràng hơn. Bên cạnh cảm giác phù nề ở chân, vùng cẳng chân cũng xuất hiện các vết chàm da khiến da bị thay đổi màu sắc hay các tĩnh mạch nổi hằn lên thấy rõ, sờ vào thấy cứng và đau.
Hơn nữa, các tĩnh mạch bị sưng phồng, giãn to, ngoằn ngoèo. Có lúc tĩnh mạch giãn đến 10mm, gây ra cảm giác đau nhức khó chịu.
Giai đoạn trở nặng
Lúc này, toàn bộ hệ thống tĩnh mạch sẽ bị giãn rất to, làm rối loạn dinh dưỡng và tuần hoàn của phần da chân bên dưới, bắt đầu xuất hiện các vết viêm loét. Ban đầu rất nông, càng về sau càng lan rộng và sâu, rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn và khó điều trị. Hơn nữa, nếu các cục thuyên tắc tách khỏi tĩnh mạch và di chuyển về tim, khiến động mạch phổi tắc nghẽn có thể dẫn đến tử vong rất nguy hiểm.
5. Bệnh suy giãn tĩnh mạch và cách điều trị
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh suy giãn tĩnh mạch mà bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp. Bệnh nhân có thể được chỉ định áp dụng riêng lẻ hay kết hợp các phương pháp điều trị như sau:
Điều trị nội khoa
Hầu hết các bệnh nhân mới mắc bệnh giãn tĩnh mạch có thể áp dụng cách điều trị nội khoa với hai dụng cụ phổ biến là băng ép và vớ y khoa. Băng và vớ y khoa có tác dụng ép chặt các bắp cơ của chân, tạo ra một áp lực ở phía dưới, giúp cho các van tĩnh mạch khép lại. Từ đó giúp giảm phù nề, máu lưu thông dễ dàng hơn. Dụng cụ y tế này sẽ giúp bệnh nhân làm chậm tiến triển của bệnh cũng như hỗ trợ các biện pháp điều trị ngoại khoa.
Liệu pháp xơ hóa
Với cách này, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc làm cứng các tĩnh mạch bị giãn, khiến tĩnh mạch này bị mất chức năng. Đồng thời sẽ điều chỉnh máu lưu thông sang các tĩnh mạch hoạt động bình thường khác. Ngoài ra, các bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống đông máu, thuốc giảm đau hãy hỗ trợ tĩnh mạch tùy theo tình trạng bệnh.
Phẫu thuật
Cách điều trị này thường áp dụng với các tình trạng bệnh tổn thương tĩnh mạch nông, tĩnh mạch bị giãn sẽ bị cắt bỏ hay thắt lại để làm ngưng sự hoạt động của chúng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được dùng băng ép và nằm bất động khoảng 3 ngày.
Với những trường hợp bệnh suy giãn tĩnh mạch đã xuất hiện bội nhiễm, lở loét, ngoài những cách điều trị trên còn phải kết hợp với việc chăm sóc và điều trị vết thương cũng như dùng kháng sinh để chống bội nhiễm.
6. Cách phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Để không mắc phải chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bạn cần lưu ý những thói quen sinh hoạt, ăn uống như sau:
Không nên đi đứng và ngồi một chỗ quá lâu
Đối với những người làm công việc phải ngồi hay đứng lâu thì cứ mỗi 60 phút làm việc, mọi người nên dành ra từ 5-10 phút để thư giãn, đi lại nhẹ nhàng và thường xuyên thay đổi tư thế ngồi khi làm việc.
Hạn chế đi giày cao gót
Các chị em nên hạn chế mang giày cao gót thường xuyên, nhất là đi bộ trên quãng đường dài hay đứng lâu. Trường hợp ở văn phòng, bạn có thể thay đổi bằng giày búp bê, giày đế thấp để thuận tiện đi lại. Hoặc có thể dùng giày đế bằng, tránh việc mũi chân quá dốc xuống làm máu khó lưu thông.
Kê chân đúng cách
Khi nghỉ ngơi hay ngồi, bạn nên kê chân lên cao để máu được lưu thông dễ dàng, tránh làm ảnh hưởng đến tĩnh mạch chi dưới.
Tập luyện thể dục thường xuyên
Duy trì thói quen luyện tập thể dục, có thể là đi bộ mỗi ngày khoảng 30 phút. Việc này cũng sẽ giúp bạn giữ vóc dáng, tránh thừa cân, béo phì.
Xoa bóp chân
Sau một ngày dài làm việc và hoạt động, hãy để đôi chân được nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách xoa bóp hay ngâm chân trong nước ấm giúp chân dễ chịu hơn.
Ăn uống đầy đủ chất
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, các vitamin và dưỡng chất và uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2 lít nước).
Khám sức khỏe định kỳ
Thực hiện khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và kịp thời phát hiện và điều trị nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bệnh.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....