Ngày 25/11, Trung tâm Y tế TP. Tây Ninh tiếp nhận 10 trẻ nhập viện có triệu chứng ngộ độc thực phẩm (đau bụng, nôn ói, sốt cao, tiêu chảy, sốc giảm nhiệt...) sau khi ăn sushi của một quầy bán hàng lưu động tại cổng trường.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng TP Tây Ninh đã tiến hành điều tra, bước đầu xác minh cơ sở kinh doanh gây ra các vụ ngộ độc trên là cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm KTT Fastfood có địa chỉ tại số 25 đường Huỳnh Tấn Phát (khu phố Hiệp Lễ, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh), do ông Dương Văn Khánh (sinh năm 1997) làm chủ.

Ngày 26/11/2022, Trung tâm Y tế Thành phố Tây Ninh đã phối hợp Công an TP. Tây Ninh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) kiểm tra tại cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm KTT Fastfood.

Cơ sở kinh doanh KTT Fastfood (số 25 đường Huỳnh Tấn Phát, khu phố Hiệp Lễ, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) đã đóng cửa sau khi vụ việc xảy ra.

Qua làm việc, ông Khánh cho biết nhận hàng từ cơ sở sản xuất bánh của bà Trần Thị Trân (ngụ 195 đường Tôn Đức Thắng, khu phố 1, thị trấn huyện Tân Châu), bao gồm sushi, hotdog, hamburger, sandwich.

Sau đó  phân phối cho các nhân viên đi bán trên xe lưu động ở các địa điểm trên địa bàn thành phố Tây Ninh (Trường THCS Trần Hưng Đạo; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt; Trường tiểu học Kim Đồng; ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Cách Mạng Tháng Tám; Trường tiểu học Trần Phú; Trường tiểu học Tôn Thất Tùng; khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám, đối diện UBND phường Hiệp Ninh) và Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Hoà Thành).

Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã lấy các mẫu sushi, hotdog, hamburger, sandwich gửi Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh kiểm nghiệm; đồng thời niêm phong số hàng không nhãn mác của các xe bán hàng lưu động.

Quá trình kiểm tra xác minh cơ sở kinh doanh KTT Fastfood không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm, như: điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ không bảo đảm (sản phẩm không được bảo quản trong tủ kính); người trực tiếp kinh doanh thực phẩm không mang khẩu trang, không trang bị tạp dề; không thực hiện chế độ lưu mẫu theo quy định; không có giấy phép kinh doanh; không có giấy đủ điều kiện ATVSTP; không có giấy khám sức khoẻ, giấy cam kết kiến thức ATVSTP cho chủ và nhân viên bán hàng.

Bên cạnh đó, cơ sở kinh doanh những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng (lấy sản phẩm tại cơ sở của bà Trần Thị Trân không có hoá đơn, chứng từ).

Trung tâm y tế huyện Tân Châu cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất bánh của bà Trần Thị Trân (ngụ 195 đường Tôn Đức Thắng, khu phố 1, thị trấn Tân Châu).

Tuy nhiên tại cơ sở của bà Trân, đoàn không thể tiến hành kiểm tra các điều kiện bảo đảm ATVSTP do cơ sở này đã đóng cửa nhiều ngày. Cửa hàng này dán thông báo tạm ngưng hoạt động trong 8 ngày (bắt đầu từ 27/11 đến hết ngày 4/12/2022), lý do: "Do cửa hàng xảy ra sự cố ngoài mong muốn, do chưa hoàn thành đầy đủ các thủ tục pháp lý kinh doanh nên buộc phải tạm ngưng kinh doanh cho đến khi hoàn thành thủ tục". Tiếp đó, thông báo còn ghi rõ "thời gian chi trả lương sẽ dời về ngày 10/12/2022".

Theo bà Nguyễn Thị Thành - Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, ngay khi có kết quả điều tra xác minh của lực lượng chức năng thành phố Tây Ninh, UBND huyện Tân Châu đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP huyện kiểm tra địa điểm kinh doanh (tại thị trấn Tân Châu) do ông Dương Văn Khánh thuê, tuy nhiên, cơ sở này cũng đã đóng cửa.