Phân biệt bé nổi mụn do rôm sảy hay mắc bệnh tay chân miệng
Thưa bác sĩ, con trai tôi 3 tuổi. Gia đình tôi vừa chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM sinh sống được 3 tháng nay. Bé từ nhỏ đã hay dị ứng với thời tiết. Khoảng một tháng trở lại đây, bé bị nổi mẩn ở trán và mu bàn tay. Những nốt mẩn là những nốt hồng ban dưới da nhưng không phải là mụn nước, không gây ngứa. Bé vẫn ăn và vui chơi bình thường.
Tuy nhiên, 2 - 3 ngày trở lại đây cháu bị sổ mũi và quấy khóc vào nửa đêm nhưng không sốt. Đây có phải là biểu hiện của tay chân miệng không? Tôi nên đưa cháu đi khám ở bệnh viện hay theo dõi thêm? Mong bác sĩ tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn bác sĩ.
Như Nguyễn (Quận 7, TPHCM)
Bác sĩ Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trả lời:
Bé chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM với thời tiết thay đổi và nóng bức hơn cũng có ảnh hưởng nhất định với làn da. Thời tiết quá nóng trẻ có thể bị rôm sảy, do mồ hôi tiết ra không được làm sạch. Lúc này, sẽ xuất hiện tình trạng quầng da đỏ gồ lên những mụn nhỏ.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ là dị ứng vì có thể khiến trẻ ngứa. Hiện tượng này là vấn đề sức khỏe về da thông thường ở trẻ em. Về mặt tác hại, chúng sẽ không gây tác hại xấu nếu cha mẹ biết cách chăm sóc.
Cụ thể, mỗi ngày cha mẹ nên bổ sung nước đầy đủ cho trẻ nhằm tránh nguy cơ mất nước. Có thể cho bé uống một số loại nước mát cũng có thể cải thiện tình trạng này.
Về trang phục của trẻ, không nên để trẻ mặc những bộ trang phục quá nóng hoặc quá dày, nên chọn quần áo thoáng mát, chất liệu cottton, dễ thấm hút mồ hôi. Đồng thời, thường xuyên lau khô mồ hôi cho trẻ.
Ngoài ra, một số phụ huynh sử dụng phấn rôm bôi da cho trẻ cũng làm da được cải thiện, tăng độ ẩm hơn. Đây là một trong những cách chăm sóc thiết yếu cha mẹ có thể tham khảo.
Khi thời tiết nắng nóng, nên hạn chế trẻ vui chơi ngoài trời trong khoảng 10 giờ sáng - 16 giờ chiều. Thời điểm nắng nóng gay gắt có thể ảnh hưởng đến làn da trẻ em.
Như vậy, mẹ nên chú ý những yếu tố này để chăm sóc làn da bé tốt hơn.
Về bệnh tay chân miệng, đây cũng là một trong những bệnh lý các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu và lo lắng. Biểu hiện của tay chân miệng là xuất hiện những mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc trong ổ miệng (mụn đỏ hoặc những vết loét).
Tuy nhiên ở một số bé, mụn nước không xuất hiện ở tay, chân, miệng mà có ở mông hoặc gối. Mụn nước dễ phân biệt với vị trí mọc và chứa dịch ướt. Trong khi mụn rôm sảy thường khô, không chứa dịch bên trong. Đây cũng là một trong những lưu ý để cha mẹ phân biệt.
Trường hợp nghi ngờ, không yên tâm, cha mẹ hãy cho bé đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra, thăm khám.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.