Những lỗi bố mẹ thường mắc phải khi pha sữa cho bé

Sữa pha quá đậm đặc

Sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có vị “nhàn nhạt” chứ không đậm đà như sữa dành cho người lớn. Chính vì vậy, nhiều người cảm thấy nếu pha như hướng dẫn sẽ không đủ dinh dưỡng hoặc trẻ bú không được no. Vậy pha sữa đậm đặc hơn có thật sự tốt cho bé?

Dinh dưỡng của sữa bột không phải cứ càng đậm đặc thì càng tốt, thậm chí ngược lại còn khiến trẻ hấp thu dưỡng chất không tốt như mong đợi. Chức năng dạ dày đường ruột ở trẻ chưa hoàn thiện, nếu uống sữa với liều lượng quá nhiều sẽ khiến trẻ bị táo bón, tiêu hóa kém, tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột v.v…

Pha sữa quá đậm đặc hay quá loãng đều không tốt cho bé - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, thời gian dài còn ảnh hưởng khả năng hấp thu canxi, khiến trẻ chậm phát triển, cơ thể thấp bé, gây các vấn đề về thận và hệ thần kinh. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người lớn nên tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn trên bao bì sữa để đảm bảo sức khỏe của bé.

Sữa pha quá loãng

Ngược lại với trường hợp trên, cũng có nhiều người cảm thấy trẻ uống sữa bột dễ bị nhiệt nên lúc pha sữa lại thích cho thêm nhiều nước hơn so với hướng dẫn.

Thực tế, trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi cơ bản không cần uống nước, trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi có thể uống một lượng nước nhỏ nhưng phải tuân theo sự phát triển tự nhiên của bé.

Dạ dày của bé còn rất nhỏ, nếu pha nhiều nước thì lượng dinh dưỡng trong sữa bị giảm bớt, không đủ cho nhu cầu của bé, ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Vì vậy, suy nghĩ sữa bột sẽ làm trẻ bị nhiệt là không có căn cứ, bạn chỉ cần pha sữa đúng với chỉ dẫn là được.

Dùng nước khoáng pha sữa cho bé trong thời gian dài

Không nên dùng nước khoáng pha sữa cho bé trong thời gian dài - Ảnh minh họa: Internet

Nước khoáng đóng chai đang được sử dụng phổ biến, nhưng nó không phù hợp với trẻ nhỏ. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, hàm lượng khoáng chất trong nước khoáng rất cao, nếu dùng pha sữa cho bé lâu ngày sẽ gây gánh nặng lớn cho thận.

Trẻ bú sữa được pha từ nước khoáng còn dễ bị tiêu hóa kém, ăn không ngon, sỏi thận, trở ngại việc hấp thu dinh dưỡng. Bạn chỉ cần dùng nước sạch đã qua xử lý lọc, đun sôi để nguội đến nhiệt độ âm ấm thì có thể pha sữa cho bé.

Pha sữa cho bé bằng nước sôi

Nhiều mẹ vì bận rộn mà không kịp đợi cho nước nguội đã vội lấy nước vừa nấu sôi pha sữa cho bé. Hành vi này sẽ làm phá vỡ thành phần dinh dưỡng trong sữa, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu dùng nước lạnh để pha sữa thì lại gây hại cho đường ruột non nớt của bé.

Tốt nhất mẹ nên pha sữa với nước đun sôi để nguội khoảng 40~60℃. Nhiệt độ này vừa giúp sữa bột dung giải nhanh, vừa đảm bảo các chất dinh dưỡng không bị phá hủy.

Cho sữa vào trước rồi mới đổ nước

Mẹ nên cho nước vào trước rồi mới cho sữa đúng tỷ lệ - Ảnh minh họa: Internet

Đây là sai lầm phổ biến của bố mẹ khi pha sữa cho bé. Nó có thể làm mất cân bằng giữa sữa và nước theo tiêu chuẩn quy định, làm sữa dung giải không đều, gây bất lợi cho tiêu hóa của trẻ.

Bạn nên cho nước vào bình sữa trước theo tỷ lệ trên hướng dẫn rồi mới cho sữa bột vào và khuấy đều.

Lắc bình sữa theo hướng qua lại hai bên hay lên xuống

Sau khi pha sữa với nước, không ít người có thói quen lắc mạnh bình sữa để bột sữa tan đều mà không biết rằng sẽ khiến sữa sinh nhiều bọt khí. Trẻ uống vào rất dễ bị nấc cục, chướng khí, ọc sữa v.v… Động tác đúng phải là dùng hai tay kẹp chặt bình sữa, “chà xát” nhẹ nhàng vào bình sữa theo hướng xoay tròn để giúp sữa dung giải đều.

Cách pha sữa cho bé vừa đơn giản vừa khoa học

Tuân thủ các bước cơ bản khi pha sữa để bé đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet

Bước 1: Rửa tay sạch, đặt bình sữa đã được rửa sạch và để ráo nước lên trên mặt bàn phẳng, đổ lượng nước đun sôi để nguội theo tiêu chuẩn trên hướng dẫn vào bình.

Bước 2: Cho sữa bột đúng tỷ lệ với nước vào.

Bước 3: Đậy nắp bình, dùng hai lòng bàn tay áp chặt vào bình sữa và bắt đầu “chà xát” cho đến khi sữa tan đều.

Bước 4: Nhỏ 1 – 2 giọt sữa lên mặt trong cổ tay của bạn để thử nhiệt độ.

Bước 5: Cho bé bú sau khi pha sữa xong.